Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận về các dự án luật, đề nghị xây dựng luật được Thường trực Chính phủ cho ý kiến vào ngày 19 và 21/7.
Đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Thường trực Chính phủ đánh giá dự án luật này có nhiều nội dung phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống an sinh xã hội và người lao động.
Do đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Thường trực Chính phủ, thành viên Chính phủ; thực hiện phân cấp, phân quyền cần đi liền với hoạt động kiểm tra, giám sát; đa dạng hóa nguồn lực để huy động tổ chức thực hiện luật, hợp tác công - tư.
Ảnh minh họa |
Về nội dung rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, Thường trực Chính phủ lưu ý, đây là vấn đề “khá phức tạp, có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế, xã hội”. Vì vậy, có thể đưa ra nhiều phương án để xin ý kiến Quốc hội nhưng cần thể hiện quan điểm, căn cứ để lựa chọn phương án cụ thể.
Đồng thời, Thường trực Chính phủ lưu ý nghiên cứu bổ sung các biện pháp thiết thực hỗ trợ người lao động, khuyến khích người lao động tự nguyện hạn chế rút hoặc bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lợi hưu trí thay vì nhận BHXH một lần.
Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần tính toán, đánh giá một cách khoa học việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Ngoài ra, Thường trực Chính phủ yêu cầu nghiên cứu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận tiện, minh bạch, không gây khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động khi thực hiện quyền, trách nhiệm của họ.
Thường trực Chính phủ thống nhất đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc cần có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để bổ sung thêm chính sách, gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội.