Thượng tọa Thích Đức Thiện: Cúng dường online là thử nghiệm

TP - Trước nhiều luồng thông tin và dư luận khác nhau quanh việc cúng dường qua ví điện tử, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) trao đổi rõ hơn về sáng kiến này.

Dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu năm mới, GHPGVN thử nghiệm hình thức cầu an trực tuyến và phát tâm cúng dường online qua liên kết ví điện tử MoMo. Xin Thượng tọa nói rõ hơn về điều này?

Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản hướng dẫn các tăng ni, phật tử, cơ sở tự viện đảm bảo tinh thần chống dịch tốt nhất đồng thời vẫn đảm bảo nhu cầu tâm linh trong lễ hội xuân - nét văn hóa truyền thống của người Việt. Đó là việc thực hiện lễ cầu an trực tuyến, nhiều ngôi chùa làm rất tốt. Giáo hội thông qua mạng xã hội (Butta) mở cổng đăng ký cầu an online, tiếp nhận đăng ký của bà con phật tử. Việc tiếp nhận này được gửi tới một số chùa. Giáo hội cũng cho rằng việc cầu an là nhu cầu thiết yếu, ai cũng mong muốn.

Thượng tọa Thích Đức Thiện: Cúng dường online là thử nghiệm ảnh 1 Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký GHPGVN Ảnh: Kỳ Sơn

Cùng với lễ cầu an trực tuyến, mọi người thường phát tâm công đức. Đây là sự tự nguyện, Giáo hội không yêu cầu bất cứ điều gì. Nhưng để thuận lợi và tránh tập trung đông người đến chùa, Giáo hội có phối hợp đưa vào ứng dụng ví điện MoMo để tạo điều kiện cho đồng bào phật tử muốn phát tâm công đức. Việc này được thử nghiệm triển khai ở một số chùa.

Do việc này chưa triển khai đại trà nên với tư cách Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký GHPGVN, tôi trao đổi với quý Hòa thượng lãnh đạo, Ban thư ký, Phó Tổng thư ký, Chánh văn phòng để triển khai thử nghiệm này trực tiếp tới các trụ trì như Hòa thượng Thích Thanh Quyết trụ trì chùa Yên Tử, chùa Phúc Khánh; Hòa thượng Thích Thọ Lạc (Nghệ An)... Đây là thử nghiệm để định hướng cho tương lai khi chúng ta ứng dụng công nghệ 4.0 vào các hoạt động xã hội và Phật sự, hưởng ứng chuyển đổi số quốc gia. Suy nghĩ của Ban Thư ký và của Giáo hội là như vậy.

Việc thí điểm ứng dụng ví điện tử để tiếp nhận cúng dường Tam Bảo là hình thức mới. Giáo hội có e ngại người dân chưa quen và có những ý kiến trái chiều?

Nhiều người có tâm thái ngỡ ngàng, nhưng nếu chúng ta không tiếp cận những điều mới mẻ thì không thể tiến bộ được. Tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội đều có ứng dụng 4.0. Hiện nay, người ta vẫn bày tỏ tâm tư tình cảm trên mạng xã hội. Câu chuyện Facebook của Chính phủ Úc hiện nay là một điển hình. Nó không còn là ảo nữa. Theo tinh thần của đạo Phật thì không có ảo, không có thực, cái chúng ta chưa chạm đến thì chúng ta cho là ảo, cái chúng ta chạm đến thì chúng ta coi là thực. Thế cho nên chúng ta phải có tâm thế để đón nhận và giải quyết các vấn đề.

Tôi thấy ý kiến của GS.TS Trần Đình Thiên rất hay, rằng đổ vỡ, khủng hoảng chính là khởi đầu của một cái mới, một sự sáng tạo. Cho nên, mặc dù thay đổi tư duy cũ vô cùng khó khăn, Giáo hội vẫn đặt vấn đề thử nghiệm. Thử nghiệm tức là đối diện với cái không phải truyền thống, chưa làm bao giờ. Nếu Giáo hội sợ thì đã không triển khai. Chúng tôi muốn lắng nghe các ý kiến khác nhau, thậm chí cả nỗi sợ của người dân cũng như văn hóa đi chùa, văn hóa công đức và suy nghĩ của người dân.

Vậy hình thức cúng dường qua ví điện tử có thay thế đặt tiền giọt dầu hay công đức theo thói quen vốn có của người dân?

Quan niệm cúng dường hay đặt tiền giọt dầu không phân biệt, đều là hình thức công đức. Giọt dầu là từ dân dã do các ngôi chùa ở miền quê, các bà vãi đặt ra thôi chứ không hề có định nghĩa và định lượng trong khái niệm này. Về phía chủ quan, tôi cho rằng khi triển khai ứng dụng này thì sẽ khắc phục được việc gài tiền lẻ lên tay tượng Phật.

Không chỉ e ngại vì sự mới mẻ, nhiều người lo ngại tình trạng giả mạo các trang thông tin của nhà chùa để trục lợi. Cụ thể đã có hiện tượng trang mạng xã hội giả mạo chùa Yên Tử để kêu gọi cúng dường online qua ví điện tử. Vậy Giáo hội có biện pháp gì để ngăn chặn?

Tính tới nay có 12 ngôi chùa ứng dụng ví điện tử. Kết quả công đức không nhiều. Nhìn biểu đồ sẽ thấy những ngày đầu tiên áp dụng, lượng người công đức tăng nhanh, tuy nhiên khi có lệnh đóng cửa chùa, số người sử dụng giảm xuống rất nhanh. Điều này chứng tỏ người ta không công đức qua mạng mà ra chùa quét mã QR. Thay vì đến bàn công đức đông người, người ta chọn quét mã, nhất là các bạn trẻ. Tôi quan sát thấy các bạn trẻ rất thích công đức bằng cách này. Ứng dụng cúng dường online cũng đảm bảo công khai minh bạch tiền công đức, tiến tới xóa bỏ việc gài tiền lẻ vào tay tượng Phật.

Về lâu dài, nếu Giáo hội triển khai đại trà sẽ ký kết với đơn vị cung cấp ứng dụng. MoMo chính là sợi dây bảo lãnh tránh giả mạo. Bởi việc công đức không phải thực hiện trực tiếp, mà qua bên trung gian. Đơn vị cung cấp có thuật toán, giải pháp để loại bỏ các hình thức giả mạo.

Năm thứ hai Giáo hội buộc phải chuyển hoạt động Phật sự cầu an, Phật đản, đại lễ Vu lan sang hình thức trực tuyến, Thượng tọa đánh giá về sự chuyển biến của Phật tử và người dân?

Cân nhắc ứng dụng đại trà

Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, GHPGVN thử nghiệm cúng dường qua ví điện tử trong 3 tháng đầu Xuân Tân Sửu. Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, sau quá trình thử nghiệm, Giáo hội sẽ họp tổng kết, đánh giá ưu, nhược điểm, các vấn đề phát sinh, hệ quả. “Giáo hội muốn nghe ý kiến nhiều chiều để có cái nhìn tổng quát, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm. Việc triển khai tiếp hay không phải được Hội đồng thường trực Ban Trị sự, Chư tôn đức lãnh đạo thông qua”, Thượng tọa nói.

Rõ ràng hình thức như cầu an, tụng kinh online thay đổi rõ rệt. Nếu năm ngoái có ý kiến băn khoăn, năm nay nhiều ngôi chùa, nhất là các đạo tràng và bà con Phật tử ủng hộ rất mạnh. Một số chùa như chùa Sủi (Gia Lâm, Hà Nội), chùa Giác Ngộ (TP Hồ Chí Minh), chùa Quán Sứ (Hà Nội), chùa Hoàng Phúc (Đồng Nai) thực hiện tốt cầu an và các khóa lễ trực tuyến.

Nhiều nơi làm rất tốt, mọi người hiểu được việc thực hành nghi lễ cốt ở cái tâm, dù làm trực tuyến nhưng thỏa mãn được nhu cầu tâm linh. Có ý kiến cho rằng nếu Giáo hội đẩy mạnh trực tuyến thì sau này Phật tử không tới chùa nữa. Tôi cho rằng đến chùa là nhu cầu của người dân, cho nên chỉ cần hết dịch bệnh, người ta lại đến chùa. Nếu chúng ta tổ chức tốt các khóa tu tập, đem lại lợi ích về tâm linh thì sẽ thu hút người dân tới chùa thôi.

Thượng tọa Thích Đức Thiện: Cúng dường online là thử nghiệm ảnh 2 Giáo hội ứng dụng ví điện tử để Phật tử, bà con công đức online - Ảnh: KỲ SƠN
Quá trình tổ chức các khóa lễ trực tuyến, cúng dường qua ví điện tử nhằm tiến tới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, hướng tới chuyển đổi số. Giáo hội có chiến lược gì để người dân dần tiếp nhận sự thay đổi này?

Không chỉ tới bây giờ, từ đầu năm 2020 Giáo hội đã ra mắt Trung tâm điều hành điện tử, kết hợp với một số trung tâm ở nhiều tỉnh thành để kết nối trực tuyến. Một trong những mục tiêu quan trọng của nhiệm kỳ VIII của GHPGVN chính là ứng dụng công nghệ thông tin. Thực tế, Đại lễ Vesak ứng dụng công nghệ thông tin, được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao. Trong thời gian tới, Giáo hội sẽ triển khai một cách căn cơ, bài bản hơn nữa để tạo thành thói quen của đồng bào Phật tử. Chuyển đổi số quốc gia là một quá trình nên Giáo hội cũng xác định đây là cả một quá trình lâu dài.

Xin cảm ơn Thượng tọa!

MỚI - NÓNG