Và người ta có nhiều lý do để chú mục hơn đến các khoản thưởng Tết của ngân hàng. Nhiều năm trước, khi ngân hàng còn được xem là ngành “hot”, đầu vào đại học cao chót vót, các trường đại học đua nhau mở ngành đào tạo, mức lương, mức thưởng Tết của người làm trong ngành này luôn là tâm điểm chú ý của xã hội. Nhưng thời đó rồi cũng qua, một phần vì kinh tế khó khăn, nhưng phần nhiều là bởi các quy luật thị trường đã dần phát huy hết công năng.
Nhưng rồi mọi thứ đều phải theo quy luật tự nhiên, theo quỹ đạo của nền kinh tế thị trường. Ngân hàng không thể tồn tại và phát triển nếu không đồng hành với nền kinh tế, đồng hành với thị trường và chịu mọi quy luật cạnh tranh, đào thải của kinh tế thị trường. Những méo mó của một nền kinh tế bất tuân quy luật tự nhiên, quy luật của thị trường mới tạo ra những đặc quyền đặc lợi trong ngành ngân hàng, khiến ngành này luôn được xem là “ăn trên ngồi trốc” cho dù kinh tế có trồi sụt ra sao. Và thực tế đã chứng minh, khi bước vào kinh tế thị trường, ngân hàng không thể tự mình sống khỏe, tự mình giữ quyền “cho”, quyền “ban phát” nếu cả nền kinh tế sống dở chết dở. Tiền huy động ứ đọng, không thể cho vay, không thể giải ngân, ngân hàng không thể tìm đâu ra lợi nhuận.
Năm nay, qua khảo sát nhanh, có thể thấy đa số các ngân hàng thưởng Tết khá khẩm hơn, ít nhất cũng một tháng, có ngân hàng thưởng tới 5 tháng lương. Dù vẫn có chỗ làm ăn thua lỗ, nhưng nhìn chung là hơn năm ngoái. Đây là tín hiệu đáng mừng không chỉ cho ngành ngân hàng. Bởi đây là ngành gắn chặt với sức khỏe của nền kinh tế, có thể xem là “phong vũ biểu” của đời sống kinh doanh. Ngân hàng thưởng Tết khấm khá có nghĩa là làm ăn được, mà ngân hàng làm ăn được là nền kinh tế có nhiều sức sống.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới mấy năm nay trồi sụt, khó khăn kéo dài, duy trì được sự ổn định và có những bước cải thiện là nỗ lực đáng ghi nhận của kinh tế Việt Nam năm qua.