Mong từng ngày
Những ngày này, tại Khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), anh Nguyễn Đình Đoàn (28 tuổi, Ninh Bình), công nhân của một công ty sản xuất lốp vẫn miệt mài làm tăng ca lên đến 10-12 giờ/ngày để có đủ tiền trang trải cho gia đình.Anh Đoàn cho biết, dịch bệnh kéo dài, công ty gặp khó khăn buộc phải cắt giảm nhân sự. Riêng năm nay, anh phải nghỉ việc hơn 3 tháng.
Sau khi công ty hoạt động trở lại hồi tháng 6, công việc không được đều đặn như trước. Công ty không tổ chức làm thêm, mà chỉ làm 2 ca vào ban ngày, nên thu nhập của anh giảm hơn nhiều so với năm ngoái. “Nếu như vào tháng 12 năm trước, thu nhập dao động 8-9 triệu đồng, thì năm nay chỉ 5,5-6 triệu đồng. Với mức thu nhập này, hầu như tôi không dành dụm được đồng nào”, anh Đoàn cho hay.
Anh Đoàn thấp thỏm mong thưởng tết. Anh Đoàn cho biết, công ty chưa có thông tin gì về thưởng tết dương lịch, cũng như âm lịch. “Nhưng với tình hình hoạt động của công ty, tôi dự đoán thưởng tết sẽ thấp hơn nhiều so với mọi năm. Giờ anh, em chỉ mong được tăng ca để có thêm thu nhập về quê ăn Tết”, anh Đoàn nói.
Chị Lê Thị Hoài (42 tuổi, ở Thanh Hóa), công nhân dệt may cho biết, chị hy vọng công ty sẽ thưởng tết âm lịch để có tiền trang trải trong tháng Tết.
Chị Hoài cho biết, năm nay do dịch COVID-19, thu nhập mỗi tháng của chị còn hơn 6 triệu đồng. “Công ty của chị đã thông báo thưởng tết dương lịch 500 nghìn đồng/công nhân, còn thưởng tết âm lịch thì chưa biết”, chị Hoài cho hay.
Thưởng tết chỉ thêm buồn
Một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 là vận tải. Do đó, khái niệm thưởng tết được xem là xa xỉ với lao động trong ngành này. Các hãng hàng không từng công bố mức lỗ hàng nghìn tỷ đồng đến nay chưa đề cập gì tới thưởng tết. Thậm chí, các hãng còn phải áp dụng cho lao động nghỉ việc luân phiên để giảm chi phí; đi làm đảm bảo mức thu nhập tối thiểu. Được đi làm đầy đủ và có đủ lương đã là mơ ước của lao động ngành hàng không vào lúc này.
Với các hãng taxi, khi đề cập tới thưởng tết, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội nói ngắn gọn: “Năm nay rất khó khăn, nói gì tới thưởng tết cho thêm buồn. Lương cho người lao động chúng tôi phải nỗ lực lắm mới không phải nợ, nhưng đã phải trả chậm, nên chưa nghĩ gì tới thưởng tết”.Theo ông Hùng, taxi truyền thống vốn đã chật vật cạnh tranh với taxi công nghệ, năm 2020 lại thêm dịch COVID-19, bao nhiêu nỗ lực phục hồi lại bị đánh tụt. Các doanh nghiệp taxi phải cắt giảm bớt đầu xe, doanh thu sụt giảm 60-70% so với năm trước, bức tranh kinh doanh vận tải khách rất ảm đạm.
Còn ông Lưu Huy Hà, Chủ tịch HĐQT Cty CP Vận tải Hoàng Hà (kinh doanh xe khách, taxi, xe buýt…) cho biết, taxi đã gặp khó, vận tải khách tuyến cố định còn khó hơn. “Giờ lo được đủ lương cho anh em hằng tháng đã là may, vừa rồi anh em còn phải nghỉ luân phiên, đi làm nửa tháng hưởng nửa lương. Cuối năm hy vọng nhu cầu đi lại dịp Tết tăng, để anh em có đủ lương và cố gắng có thêm một khoản động viên để giữ chân lao động, cũng không phải là thưởng gì”, ông Hà nói.
Với lĩnh vực du lịch, chủ một doanh nghiệp lữ hành thuộc hàng lớn nhất nước chia sẻ ngắn gọn: “Năm nay làm gì có khái niệm thưởng tết, lo được đủ việc để anh em có lương đã là may rồi”.
Còn với doanh nghiệp sản xuất, ông Đinh Quang Dương, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam cho biết, thưởng tết năm nay đang trở thành vấn đề nan giải với các công ty, chúng tôi chưa có kế hoạch thưởng tết.
“Với hơn 45 nghìn công nhân, trung bình mỗi năm công ty chi khoảng 30-40 tỷ đồng để thưởng tết. Nhưng năm nay, tình hình kinh doanh khó khăn, doanh thu chỉ bằng 60% năm ngoái, nên số tiền thưởng tết đối với công ty rất lớn. Công ty đang chờ đến hết năm 2020, chốt doanh số rồi mới dám tính đến thưởng”, ông Dương cho hay.
Ông Dương dự đoán, năm nay tiền thưởng Tết của các công ty có thể ít hơn nhiều, giảm đến 40-50%, và nếu thưởng 1 tháng lương thì phải lấy từ quỹ năm ngoái.
Gắng sức để thưởng tháng lương thứ 13
Ông Đoàn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần may Nam Hà cho biết, đối với ngành dệt may, các doanh nghiệp năm nay sụt giảm doanh thu khoảng 20-30%. Tuy nhiên, việc thưởng tết rất quan trọng, vì doanh nghiệp phải tính toán giữ chân người lao động sau tết. Do đó, từ giờ đến cuối năm, công ty phấn đấu thưởng Tết cho công nhân tháng lương thứ 13 như mọi năm.
Ông Lê Trần Thanh Hải - Chủ tịch CĐ Công ty May mặc Tripple Việt Nam cho hay, khả năng doanh nghiệp vẫn thưởng tết tháng lương 13 cho người lao động như năm 2019. Là một doanh nghiệp luôn có mức thưởng cao từ 1,5 đến 2 tháng lương, như năm 2019, tổng tiền thưởng tết của Công ty Pou Yuen (đơn vị sản xuất da giày ở Bình Tân, TP HCM) lên tới hơn 900 tỷ đồng, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pou Yuen cho biết, năm nay công ty có gắng thưởng tết cho công nhân mức bằng gần 1 tháng lương.