Những ngày qua, dư luận đang xôn xao việc anh Nguyễn Thanh Hải, người nổi tiếng với biệt tài săn bắt cướp ở Bình Dương bất ngờ nộp đơn xin nghỉ việc và ngay lập tức được chấp thuận. Liên quan đến vấn đề này, PV báo Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Hà Văn Thanh – người vừa nhận quyết định nghỉ hưu, nguyên Phó trưởng phòng Phong trào (Công an tỉnh Bình Dương).
Hơn ai hết, Thượng tá Thanh là người hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của “hiệp sĩ” Hải, bởi ông là người đầu tiên đề xuất xây dựng mô hình CLB Phòng chống tội phạm tại Bình Dương.
PV: Thưa ông, vừa qua anh Nguyễn Thanh Hải nộp đơn xin nghỉ tham gia CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa (TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) và sau đó được chấp thuận. Với tư cách là người khởi xưởng mô hình CLB này, ông có suy nghĩ gì?
Thượng tá Hà Văn Thanh: Tôi đã biết việc anh Hải nộp đơn xin nghỉ ở CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa. Tôi thật sự rất bất ngờ, càng băn khoăn hơn khi quyết định chấp thuận lại được thực hiện sau đó. Theo tôi, việc để anh Hải nghỉ sẽ là tổn thất rất lớn cho địa phương. Để tìm được một người dân như anh Hải tham gia hiệu quả phong trào thật không hề dễ dàng.
PV: Theo ông nên xử lý thế nào cho hiệu quả khi nhận đơn xin nghỉ việc của anh Hải?
Thượng tá Hà Văn Thanh: Anh Hải xin nghỉ là do quy chế ràng buộc, địa bàn hoạt động hẹp. Với lý do đó thì không khó để đưa ra hướng xử lý và không cần tới quyết định chấp thuận theo nguyện vọng. Tại sao chúng ta không áp dụng việc ký kết địa bàn giáp ranh? Theo cá nhân tôi, tổ chức nên tìm cách tạo điều kiện để anh Hải có thể ở lại công tác vì sự phát triển chung của phong trào.
Trong quá trình công tác, tôi luôn nghe anh Hải tâm sự về việc nhiều địa phương không tạo điều kiện hợp tác cùng...
PV: Ông có thể cho biết thêm về quan điểm cho rằng, việc để anh Nguyễn Thanh Hải nghỉ là tổn thất lớn.
Thượng tá Hà Văn Thanh: Như chúng ta đã biết, anh Nguyễn Thanh Hải là “cánh chim đầu đàn” trong mô hình CLB Phòng chống tội phạm. Trong suốt 20 năm hoạt động, anh Hải tham gia bắt được gần 4.000 vụ trộm, cướp, nhận được trên 700 bằng khen, giấy khen các loại từ cấp Trung ương đến địa phương.
Nhờ hoạt động hiệu quả, nhiều tỉnh, thành khác đã đến Bình Dương xin được học tập mô hình CLB Phòng chống tội phạm. Ở Bình Dương có hàng chục CLB nhưng khi nhắc đến “hiệp sĩ” Bình Dương là người ta nghĩ ngay đến anh Hải. Phong trào ở tỉnh nhà phát triển, không thể không nhắc đến công của anh Hải.
Theo tôi, để tìm ra một người như anh Hải tham gia hiệu quả mô hình CLB Phòng chống tội phạm là rất khó. Bởi vì, hiếm có người này làm việc "chí công vô tư" không vì tiền bạc, không nề hà ngày đêm, dũng cảm dám hi sinh... như anh Hải.
PV: Trong thời gian đang công tác, với vai trò là lãnh đạo phòng phong trào, ông đã hỗ trợ CLB Phòng chống tội phạm như thế nào?
Thượng tá Hà Văn Thanh: Quá trình làm công tác quản lý, tôi biết việc anh Nguyễn Thanh Hải hoạt động ngoài địa bàn phường phụ trách nhưng vẫn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất. Tuy nhiên, để tận dụng khả năng của "hiếp sĩ" này mà không để anh ấy vi phạm pháp luật, tôi đã tập huấn nghiệp vụ thường xuyên cho anh Hải. Tôi luôn dặn anh Hải phải bắt tội phạm phải bắt quả tang, đúng người và phải đưa nạn nhân đến hiện trường để xác thực.
“Là tổ chức tự nguyện, mỗi người dân đều có quyền tham gia và khi tham gia phải thực hiện theo quy chế ban hành. Anh Hải xin nghỉ vì cảm thấy không phù hợp với quy đinh hoạt động. Quy định thành viên Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm ở phường nào thì chỉ được hoạt động trong địa bàn phường đó. Anh Hải nhiều lần hoạt động ngoài phạm vi phường Phú Hòa. UBND phường đã mời anh Hải lên làm việc và nhắc nhở về việc này. Anh Hải cảm thấy quy chế gò bó nên xin nghỉ”, bà Nguyễn Thị Kim Thúy – Chủ tịch UBND phường Phú Hòa nói.