Thượng Sơn nghe chuyện chạy dịch

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dù đã nhiều lần tác nghiệp ở miền Tây xứ Nghệ, nhưng chuyến đi một mình lên miền sơn cước nghe chuyện “chạy dịch” đối với một phóng viên nữ như tôi là một kỷ niệm đáng nhớ. Ở đó có những câu chuyện mặn mồ hôi, nước mắt của những người con xứ Nghệ xa quê, nhọc nhằn mưu sinh nơi đất khách quê người.

Lao vào điểm nóng

Là phóng viên thường trú, tôi thuộc nằm lòng yêu cầu của tòa soạn: “Phóng viên phải nhanh, nhạy nhưng phải đảm bảo tính chuẩn xác của thông tin”. Vì lẽ đó, tôi luôn đặt mình vào tư thế sẵn sàng “chạy”. Chạy bất cứ nơi đâu, bất cứ giờ giấc, chạy nhanh nhất có thể đến các điểm nóng để tai nghe, mắt thấy, ghi chép những thông tin sốt dẻo. Sự có mặt ở hiện trường giúp phóng viên chủ động, độc lập về nguồn tin, đưa thông tin nhanh nhất đến bạn đọc.

Thượng Sơn nghe chuyện chạy dịch ảnh 1

Tác giả trò chuyện với một trưởng bản ở huyện miền núi Tương Dương

Trong những lần đó, tôi nhớ nhất lần đưa tin lao động hồi hương về quê tránh dịch COVID-19. Còn nhớ hồi tháng 8/2021, thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, hàng chục nghìn lao động của Nghệ An ở các vùng có dịch ồ ạt hồi hương. Hình ảnh từng đoàn xe máy nối đuôi nhau vượt hàng nghìn km từ các tỉnh phía Nam ngược về quê, trong đó có không ít đứa trẻ mới vài tháng tuổi gây xúc động mạnh. Thời ấy, gần như ngày nào, giờ nào, trời mưa cũng như nắng, tôi đều có mặt ở chốt cầu Bến Thủy 2 (nối 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh) để tác nghiệp. Tôi đi nhiều đến nỗi các chiến sĩ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trực chốt ở đấy ngỡ ngàng: “O phóng viên ni ngày mô cũng thấy thấy mặt. Tác nghiệp cẩn thận đấy, trong đoàn người hồi hương đã có nhiều mắc COVID rồi”.

Trong số những đoàn về từ các tỉnh phía Nam, không ít lao động dương tính với SARS-CoV-2. Lúc đấy, virus Corona như một thứ gì đó rất đáng sợ. Vì thế, tôi cũng như bao phóng viên khác rất lo lắng không biết mình có bị “dính” hay không. Một sáng đầu tuần, tôi nhận được điện thoại của nhà báo Quang Long - Trưởng ban đại diện báo Tiền Phong tại Nghệ An nói: “Giờ dịch đang căng, lao động về quê rất nhiều, an cư cho người hồi hương là câu chuyện thời sự. Em ngược lên miền Tây một chuyến, đi các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn tìm hiểu, viết phóng sự về những chuyến ly hương. Đề tài nóng, em triển khai ngay, nhưng nhớ phải đảm bảo an toàn cho bản thân, tránh bị cô-vít”. Sau cuộc gọi, tôi lập tức thu xếp quần áo và đồ nghề máy tính, máy ảnh, bắt chuyến xe khách sớm nhất để lên đường. Vượt quãng đường gần 200km, tôi đến trung tâm huyện Tương Dương khi trời đã xế chiều.

Những câu chuyện cảm động

Mượn xe máy của một người bạn làm ở Huyện Đoàn Tương Dương, tôi một mình tìm về bản Văng Môn, xã Tam Hợp. Đây là bản nằm biệt lập giữa rừng sâu, giáp ranh biên giới Việt - Lào. Sau hơn 1 giờ chạy xe máy men theo con đường đất độc đạo giữa núi rừng, cuốc bộ một đoạn đường đất lầy lội, tôi đặt chân đến Văng Môn. Trưởng bản Hà Văn Nghệ nói: “Ở đây thanh niên đi vào Nam làm công nhân hết, giờ chỉ còn người già và trẻ nhỏ thôi”. Nói rồi vị Trưởng bản dẫn chúng tôi đến nhà ông Lương Văn Vĩnh và bà Vi Thị Hạnh. Cả 2 ông bà đều có con mưu sinh ở các tỉnh phía Nam và hiện đang chăm sóc các cháu thay bố mẹ chúng. Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông bà vẫn đang phải mưu sinh để nuôi các cháu khôn lớn. Dịch COVID-19 khiến các con của ông bà mất việc làm, không có thu nhập và chưa thể hồi hương. Khi nhắc đến các con của mình, cả hai ông bà đều rơi nước mắt…

Rời Văng Môn, tôi đến Phà Lõm khi đồng hồ chỉ quá 12 giờ trưa. Câu chuyện về Xồng Bá Xò và những người cùng cảnh ngộ khiến tôi trăn trở. Xồng Bá Xò chính là người đàn ông từng chở vợ và đứa con mới 9 ngày tuổi còn đỏ hỏn được quấn trong chiếc áo da vượt nghìn cây số trên chiếc xe cà tàng chạy dịch gây "sốt" cộng đồng mạng. Khi tôi tìm đến, Xồng Bá Xò vừa trở lại cuộc sống bình thường sau 24 ngày cách ly. Anh bảo, mỗi khi nhớ lại hành trình hồi hương, anh vẫn còn rất ám ảnh. Bên bếp lửa, Xò kể cho tôi nghe về những ngày tháng mưu sinh nơi xứ người, chuyện vợ sinh trong lúc “căng” nhất của dịch bệnh đến chuyện chạy dịch, được mọi người giúp đỡ, hỗ trợ về quê an toàn... Ánh mắt đăm chiêu, Xò buông tiếng thở dài: “Đó là một hành trình đầy bão táp”. Trở về quê và đã kết thúc cách ly theo quy định, yên tâm hơn về dịch, nhưng vợ chồng Xò lại đối diện với nỗi lo thất nghiệp.

Ngược Tam Hợp, tôi đến xã Tam Quang, nơi có 367 công nhân từ các tỉnh trong nước về quê tránh dịch. Đến đây, hình ảnh màu áo xanh tình nguyện hỗ trợ khu cách ly, nấu cơm miễn phí,… khiến tôi cảm nhận được sự nhiệt huyết, sức trẻ tràn đầy. Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, lực lượng đoàn viên thanh niên cũng tiên phong, xung kích, tình nguyện để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Cầm trên tay suất cơm miễn phí được đoàn thanh niên xã Tam Hợp gửi tặng, anh Moong Văn Bình thấy rất ấm lòng. Nhiều năm mưu sinh nơi đất khách, với anh Bình chuyến trở về lần này của anh rất đặc biệt.

Huyện biên giới Kỳ Sơn cũng là một địa phương có số lượng lao động hồi hương lớn với gần 7.000 người. Do vậy, tôi quyết định “ngược núi”. Từ trung tâm huyện Tương Dương, vượt hơn 60km, tôi đến thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. Được cán bộ xã dẫn đường, tôi tìm tới bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn. Bản nằm cách xa trung tâm, con đường dốc dựng đứng khiến tôi liên tục phải rú ga. Quá trưa, chị Xồng Y Pà mới bắt đầu nhóm lửa đun nước để pha gói mì tôm còn sót lại nơi góc bếp làm canh chan với cơm trắng. Chẳng kịp đợi canh nguội, cô bé 3 tuổi và cậu em út hơn 1 tuổi cầm bát ăn ngon lành. Hình ảnh người mẹ không dám ăn dành phần cho con cứ ám ảnh tôi. Mới vào Bình Dương làm việc hồi tháng 3/2021, dịch bùng phát khiến vợ chồng chị phải tháo chạy. Về quê, hết thời gian cách ly, vợ chồng Pà không biết làm gì. Cuộc sống bấp bênh. “Nếu hết dịch, chị có muốn trở lại Bình Dương làm việc không?”, tôi hỏi. Không chần chừ, Pà đáp: “Nếu tình hình dịch bệnh ổn định trở lại, bọn em lại vào Nam làm công nhân, chứ ở nhà cũng không biết làm gì”.

Không chỉ Xồng Bá Xò, Xồng Y Pà,… mà tất cả những công dân trở về quê tránh dịch đều phải đối mặt nhiều vấn đề khó khăn về việc làm, thu nhập. Vấn đề hậu cách ly đang là thực tế không hề đơn giản. Đó là việc số công dân hồi hương sẽ làm việc gì? Lấy thu nhập ở đâu để sống? Con cái học hành như thế nào? Chưa kể, các vấn đề xã hội khác có thể nảy sinh nếu không quản lý tốt công dân nơi cư trú.

Những lần tác nghiệp miền núi trước, tôi đều có bạn đồng hành. Lần này đi một mình, tôi có chút lo lắng. Nhưng vượt lên tất cả, tôi đã hoàn thành bài viết 3 kỳ “Những chuyến ly hương” và được đăng trên Tiền Phong nhật báo.

Càng đi, càng gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người, tôi càng có thêm nhiều chất xúc tác để hoàn thành đứa con tinh thần của mình. Tác nghiệp trong điều kiện khó khăn, thời gian gấp rút giúp tôi dần trưởng thành, lớn hơn chính mình của ngày hôm qua.

MỚI - NÓNG