Là gương mặt không thường xuyên xuất hiện trong những bộ phim truyền hình, Lệ Quyên cảm thấy thế nào khi tái xuất màn ảnh nhỏ với một bộ phim đề tài về công an xã?
Vai diễn đầu tiên của tôi khi vào nghề là Thảo trong bộ phim “Sát thủ online” (2013) – một bộ phim của đạo diễn Nguyễn Mai Hiền. Năm 2014, tôi đóng phim “Những cánh hoa trước gió”, năm 2015 tham gia “Lựa chọn cuối cùng”, cũng xoay quanh nhân vật là chiến sĩ công an. Sau gần 10 năm, tôi lại có cơ hội được tham gia một tác phẩm truyền hình của đạo diễn, NSƯT Nguyễn Mai Hiền, đó chính là “Phố trong làng”.
Với tôi, bộ phim này rất gần gũi, chân thực, nhất là đối với những người dân ở thôn quê. Ở Nhà hát Tuổi trẻ, tôi cũng tham gia các vai diễn có nhiều màu sắc khác nhau. Khi nhận vai Thương ở “Phố trong làng”, tôi đã hình dung trong đầu những nét diễn để làm sao cho nhân vật thật hấp dẫn.
Diễn viên Lệ Quyên vào vai Thương - vợ của Mến (Doãn Quốc Đam). |
Thương cam chịu, nhẫn nhục dù bị chồng bạo hành, chửi bới như cơm bữa. |
Lệ Quyên đã chuẩn bị những gì để vào vai một người phụ nữ nhẫn nhục như Thương?
Khi vào vai Thương, có một điểm thú vị là đạo diễn yêu cầu nói giọng miền Trung, mà quê tôi lại ở Hà Tĩnh. Tôi vừa diễn, vừa chỉnh giọng sao cho thật ngọt, dễ nghe và dễ hiểu.
Còn về tạo hình, đúng là nhiều người khi nghĩ đến vai gái quê sẽ thấy ngại, vì nhân vật không được trang điểm, cũng không được mặc đẹp. Phim lên sóng, nhiều người quen thấy xót cho tôi vì vai diễn khổ cực quá (cười). Ở ngoài tôi điệu đà lắm, đi đâu cũng trang điểm cẩn thận, mặc quần áo theo “trend”. Thậm chí, bạn bè còn nhắn tin hỏi xem có đúng nhân vật Thương là do tôi đảm nhận không.
Nhưng khi nhận vai, tôi không ngại nhân vật của mình trông phải xấu, phải lam lũ. Vì chính cái xấu, cái khổ giúp nhân vật Thương chạm đến trái tim khán giả. Những tập đầu tiên quay vào thời điểm giãn cách xã hội nên Quyên không thể ra cửa hàng mua sắm đồ mới. Tôi đành gọi về mượn quần áo của mẹ chồng, rồi “huy động” trang phục của tất cả người quen.
Nhan sắc đời thực của nữ diễn viên thuộc biên chế Nhà hát Tuổi Trẻ. |
Lệ Quyên tự chuẩn bị phục trang cho vai "gái quê". |
Nhiều khán giả xem phim nhận xét Thương là nhân vật u uất, khổ cực nhất phim. Bạn nghĩ sao?
Thương được xây dựng với quá khứ không hạnh phúc: không cha, không mẹ và xuất thân là gái làng chơi. Sau này, Thương được Mến (diễn viên Doãn Quốc Đam) cưu mang, lấy về làm vợ. Chính vì vậy, Thương làm mọi thứ, chịu đựng đủ điều vì biết mình mang ơn của Mến. Cô ấy cũng là một người phụ nữ thương con, nhẫn nhục và hi sinh cũng vì con. Trong thâm tâm, Thương có những suy nghĩ riêng chứ không phải là người chỉ biết dùng nước mắt để kêu cứu.
Nhân vật Thương rõ ràng là quá khổ, nhưng phải có những hoàn cảnh như Thương thì các cán bộ công an xã như Nam (Anh Tuấn) mới có việc để giải quyết. Vụ việc của vợ chồng nhà Thương – Mến cũng là một trong những sự vụ nổi cộm nhất, là điển hình tiêu biểu của những hủ tục làng xã. Trong phim cũng có những cảnh người làng nói rằng theo lệ làng, chồng “dạy” vợ như vậy là bình thường.
Ở ngoài tôi điệu đà lắm, đi đâu cũng trang điểm cẩn thận, mặc quần áo theo “trend”. Thậm chí, bạn bè còn nhắn tin hỏi xem có đúng nhân vật Thương là do tôi đảm nhận không.
Suốt gần 10 tập phim, những phân đoạn xuất hiện của nhân vật Thương đều là cảnh bị đánh đập, chửi bới, khóc lóc… Lệ Quyên và Doãn Quốc Đam phối hợp ra sao với những cảnh quay này?
Khi diễn những cảnh đó, anh Đam cũng đánh “quyết liệt” lắm. (cười). Tôi thấy có rất nhiều thứ mình có thể học hỏi ở anh Doãn Quốc Đam. Khi diễn chung, anh kéo cảm xúc tôi lên rất nhiều.
Tôi còn nhớ cảnh đầu tiên là phân đoạn Thương bị chồng đổ rượu lên người. Lúc đó, tôi và anh Đam cũng chỉ chuẩn bị sơ sơ trước khi bấm máy. Thấy chai rượu bên cạnh, tôi nói với anh Đam là thử dùng đạo cụ này xem sao. Hóa ra, anh Đam cũng nghĩ giống hệt tôi. Hai anh em không hề bàn trước mà đều có suy nghĩ sẽ dùng chai rượu để đổ lên người khi diễn cảnh đó.
Lúc nhận vai, tôi xác định những cảnh xô xát sẽ bị đánh thật, đau thật chứ không phải diễn chơi đâu. Tôi chuẩn bị tâm lí khá kĩ, nhiều pha cũng phải chủ động “né đòn”. Nhưng trong lúc diễn sung quá nên giờ tay chân vẫn tím bầm, còn nguyên vết sẹo.
Cảnh Thương bị Mến đổ rượu lên người là sự tung hứng đầy bất ngờ giữa Lệ Quyên và Doãn Quốc Đam. |
Những phân đoạn nhân vật Thương bị chồng bạo hành khiến Lệ Quyên phải "trầy da tróc vảy". |
Trong những diễn biến sắp tới của phim, nhân vật Thương sẽ phản ứng ra sao khi bị đẩy vào tận cùng của bi kịch hôn nhân?
Thương có lí do riêng để phải nhẫn nhục, phải cam chịu dù bị đánh đập và chửi rủa. Ở chặng sau của phim, khi cảm thấy đã trả đủ ơn cưu mang của Mến, diễn biến tâm lí và hành động của Thương sẽ khác. Thương không phải người quá nhu nhược đâu. Sau này, nhân vật Thương có nhiều đất diễn hơn, cũng sẽ có phản ứng đáp trả lại Mến.
Nhưng Thương không hẳn là sẽ vùng lên. Sau những phản ứng yếu ớt, cô ấy lại buông xuôi, muốn tự giải thoát cho mình. Phim mới quay được khoảng 2/3 chặng đường, tôi hi vọng Thương sẽ có một cái kết hạnh phúc.
Lệ Quyên vào nghề bằng những vai diễn trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ. So với nhiều diễn viên cùng trang lứa, bạn dường như không vội vã lấn sân sang đóng phim truyền hình. Vì sao vậy?
Khi học ở trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, tôi là sinh viên bé nhỏ nhất lớp. Trong khi đó, vai nữ chính của các bộ phim truyền hình hầu hết yêu cầu diễn viên có dáng người cao, thanh mảnh một chút. Tôi tự ti vì ngoại hình hạn chế nên ý thức được mình cần có màu sắc khác biệt.
Lệ Quyên trên sân khấu kịch. |
Vì vậy, tôi đầu quân cho Nhà hát Tuổi Trẻ để được học hỏi và có cơ hội thử sức nhiều dạng vai. Năm ngoái, tôi nhận được “quả ngọt” sau nhiều năm gắn bó với sân khấu. Đó là Huy chương vàng cho vai Thanh (vở kịch nói Bộ Cảnh phục) và Giải Diễn viên thể hiện xuất sắc hình tượng người chiến sĩ CAND.
Tôi tâm niệm cứ cố gắng hết mình ở Nhà hát, khi nào cứng cáp và có cơ hội phù hợp thì sẽ tham gia phim truyền hình.
Cảm ơn Lệ Quyên!