Liên tục hai tuần qua, nhiều thương lái đưa hàng chục lao động từ Hải Phòng vào các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi thu mua chuối lùn (chưa đến độ già) với giá từ 6.000 đến 6.500 đồng mỗi kg. Ông Hoàng Văn Thiện (quê Hải Phòng) cho hay, thương lái đưa khoảng 60 lao động chia thành từng nhóm vào các tỉnh miền Trung thuê nhà trọ vừa mở đại lý thu mua vừa sơ chế, đóng gói chuối lùn xuất sang thị trường Trung Quốc.
Sau khi khảo sát, các thương lái chọn vùng trọng điểm có nhiều hộ dân trồng chuối lùn làm nơi tập kết thu mua. Tại Quảng Ngãi, thương lái chọn xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, nơi có hàng trăm hộ dân trồng chuối lùn tập trung để mở đại lý, sau đó mở rộng mua gom.
Bà Trần Thị Minh (quê huyện Nghĩa Hành) cho biết, theo giá cả thị trường hiện nay, chuối lùn bán ở các chợ lẻ theo từng nải có sức mua chậm, giá cả lại rẻ. "Nghe các thương lái mở đại lý nơi đây, chúng tôi thu mua chuối lùn ở các nhà vườn huyện Nghĩa Hành đến bán vừa nhanh vừa giá cao gấp đôi so với ngoài chợ", bà Minh nói.
Các thương lái thu mua chuối lùn (không non, không già) tính ký theo từng buồng. Sau đó, họ dùng móc sắt mài sắc nhọn ở đầu để tách từng nải ra khỏi cùi đưa vào bể nước vệ sinh bớt bụi bẩn, nhựa.
Theo người lao động làm thuê cho các thương lái, mỗi buổi sáng, "ông chủ" dùng lọ thuốc toàn chữ Trung Quốc này hòa vào bể nước tạo màu trắng đục để ngâm các nải chuối.
Các công nhân giải thích, hóa chất này có tác dụng "chống chín, cầm nhựa". Một khi chuối phải ngâm qua bể hóa chất này là để cho chuối được tươi lâu, một tuần sau thì chuối mới căng tròn, bắt đầu chín. Trước đó, ngày 4/9, Công an huyện Sơn Tịnh bắt quả tang đại lý của ông Hoàng Phú Tới (quê Hải Phòng) sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc nhãn mác Trung Quốc để ngâm chuối trái bán ra thị trường. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện ông Tới sử dụng 184 lọ hóa chất mang nhãn mác Trung Quốc dùng để ngâm chuối trong một bồn lớn.
Ông Tới khai nhận, loại hóa chất này được mua ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) với giá 5 triệu đồng mỗi thùng (40 lọ) có tác dụng giữ trái chuối tươi và xanh lâu hơn.
Sau khi ngâm vào bể hóa chất khoảng 5 phút, các công nhân vớt từng nải để ráo nước rồi mới đóng gói. Hiện tại, Công an huyện Sơn Tịnh đang tạm giữ số hóa chất; đồng thời phối hợp cùng cơ quan chức năng gửi mẫu kiểm nghiệm loại hóa chất này có ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay không.
Trung bình mỗi thùng catton chứa khoảng 5 nải chuối nặng 10 kg. Ông Nguyễn Thanh Đình, Phó chủ tịch UBND xã Tịnh Hà cho biết thêm, chưa bao giờ thương lái lại đổ xô thu mua chuối lùn của người dân trong xã với số lượng lớn như những ngày qua. Trung bình mỗi ngày họ thu mua, sơ chế và đóng gói khoảng 6 tấn chuối. "Lo nhất là bà con thấy cái lợi trước mắt đổ xô trồng chuối, đến lúc Trung Quốc ngưng thu mua thì nông dân chết đứng. Bài học đau đớn này đã xảy ra với người trồng dưa hấu hồi năm ngoái, ế ẩm phải đổ cho bò ăn", ông Đình lo ngại.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Oai, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Ngãi cho biết, về nguyên tắc, hóa chất bảo quản nông sản, thực phẩm nước ngoài khi sử dụng tại Việt Nam phải có nhãn mác ghi phụ đề tiếng Việt do cơ quan chức năng kiểm định. "Việc các thương lái sử dụng hóa chất có nhãn mác không rõ nguồn gốc để ngâm chuối lùn nói trên là sai qui định pháp luật Việt Nam. Còn mức độ tác hại của hóa chất này thế nào phải chờ gửi mẫu đi kiểm nghiệm mới có thể kết luận", ông Oai cho hay.