Về thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai, tạp chí National Interest (Mỹ) hỏi chuyện một số chuyên gia để nghe họ dự đoán kết quả hội đàm.
Chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, tại sao không?
“Nếu Mỹ và Triều Tiên thực sự chấm dứt cái gọi là nhiều thập kỷ trong tình trạng gần như xung đột, tôi cho rằng Tổng thống Trump phải có công đầu”, Harry J. Kazianis, giám đốc bộ phận Triều Tiên học thuộc Trung tâm Lợi ích quốc gia (Mỹ) viết.
Ông Kazianis cho rằng, dù không có một thỏa ước mang tính lịch sử được ký ở Singapore, những kết quả từ hội nghị đó “có thể đong đếm được”.
“Và đó là cách lịch sử được viết nên”, ông Kazianis nói. Theo ông, hội nghị ở Singapore đã đặt nền móng cho hòa bình, góp phần tránh xung đột hạt nhân và đảm bảo một cuộc chiến Triều Tiên lần hai sẽ không diễn ra.
“Kết quả mong muốn của tôi về hội nghị thượng đỉnh lần này là: Ông Donald Trump sẽ đốt bỏ cuốn sách cũ về chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên trước sự chứng kiến của toàn thế giới. Tôi hy vọng ông Trump sẽ tuyên bố chấm dứt cuộc chiến Triều Tiên với một tuyên ngôn hòa bình với chữ ký của chủ tịch Kim, đơn giản, ngắn ngọn và đi thẳng vào vấn đề. Và với lời đồn đại rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể cũng tới Việt Nam, sao không mời luôn cả Tổng thống Moon của Hàn Quốc để cùng ký?”, ông Kazianis hào hứng.
Không giống âm hưởng lạc quan từ ông Kazianis, nhà nghiên cứu về an ninh Ted Galen Carpenter của viện nghiên cứu chính sách công Cato (Mỹ) tỏ ra thận trọng hơn. Theo tác giả 12 cuốn sách về quan hệ quốc tế này, hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim thành công hay thất bại phụ thuộc chủ yếu vào việc hai nhà lãnh đạo tập trung một số ít mục tiêu hạn chế, có thể đạt được đồng thuận hoặc chọn bàn về một thỏa ước toàn diện về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
“Không may là, chính quyền của ông Trump (giống như những người tiền nhiệm) vẫn bám vào đòi hỏi Bình Nhưỡng đầu hàng và chấp nhận phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Một kết quả như thế là không thể diễn ra trong dịp này hay bất cứ dịp nào”, ông Carpenter viết.
Mỹ cần thực tế hơn
Theo chuyên gia Carpenter, thay vì tiếp tục đòi hỏi viển vông đó, Washington cần theo đuổi một mục tiêu thực tế hơn: xây dựng một mối quan hệ bình thường với Bình Nhưỡng, từ đó giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Một đặc điểm của mối quan hệ mới này là tính thỏa hiệp, theo đó, Bình Nhưỡng sẽ cung cấp danh sách đầy đủ các kho vũ khí hạt nhân cũng như hệ thống phóng/bắn, chấp nhận một giới hạn có thể kiểm chứng được đối với cả kho vũ khí lẫn các phương tiện bắn/phóng. Trong khi đó, Mỹ không đòi xóa bỏ hoàn toàn năng lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
“Cơ hội cho những tiến bộ đáng kể để hướng tới một thỏa hiệp tồn tại tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này. Hơn nữa, để tạo điều kiện cho một mối quan hệ hợp tác hơn nữa, Mỹ cần đề xuất một loạt các bước đi tuy khiêm tốn nhưng quan trọng”, ông Carpenter viết. Theo ông, một trong những bước đi ấy là một thỏa thuận bình thường hóa các cuộc mặc cả ngầm về chuyện Bình Nhưỡng phải hạn chế tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo và Mỹ ngừng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn vô hạn định.
“Điều gì sẽ xảy ra tùy thuộc hầu như hoàn toàn vào tổng thống (Trump). Niềm tin của ông ấy về việc ông Kim sẽ nhanh chóng xóa bỏ kho vũ khí là không thực tế… Ngay cả khi ông Kim đã có “quyết định chiến lược” từ bỏ vũ khí hạt nhân, ông ấy không làm mà không được gì. Ông ta sẽ không hy sinh đòn bẩy của mình đổi lấy vài lời hứa”, Doug Bandow, nghiên cứu viên cao cấp của viện Cato,cựu trợ lý đặc biệt của tổng thống Mỹ Ronald Reagan