Hôm qua, ngân hàng trung ương Trung Quốc nói quyết định của Mỹ “gắn mác” cho Bắc Kinh là “thao túng tiền tệ” sẽ “hủy hoại nghiêm trọng trật tự tài chính quốc tế và gây ra xáo trộn trên các thị trường tài chính”.
Quyết định của Washington cũng sẽ “ngăn cản sự phục hồi kinh tế và thương mại toàn cầu”, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) nói trong phản ứng chính thức đầu tiên của Trung Quốc trước động thái mới leo thang căng thẳng của Mỹ trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
Trung Quốc “đã và sẽ không sử dụng tỷ giá hối đoái làm công cụ giải quyết các tranh chấp thương mại”, PBOC tuyên bố trên website của tổ chức này.
“Trung Quốc khuyên Mỹ hãy tự kìm cương ngựa trước vách núi, và hãy cẩn thận với những sai lầm của mình, tránh đi tiếp con đường sai lầm”, PBOC nói.
Động thái của Mỹ, diễn ra tiếp sau khi đồng nhân dân tệ mất giá mạnh hôm thứ Hai, đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và nghiền nát bất cứ hy vọng nào về một giải pháp nhanh chóng đối với cuộc chiến thương mại song phương đã kéo dài suốt một năm qua.
SCMP nói hôm đầu tuần, PBOC đã để đồng nhân dân tệ trượt giá xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua và có vẻ đây là động thái trả đũa trước lời đe dọa áp thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bộ Tài chính Mỹ hôm thứ Hai nói họ đã xác định, lần đầu tiên kể từ năm 1994, rằng Trung Quốc thao túng đồng nội tệ và động thái này đưa cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung vượt qua giới hạn của các biện pháp trả đũa thuế quan.
Quyết định của phía Mỹ hoàn toàn có động cơ chính trị, theo bài của một báo kỳ cựu Trung Quốc.
Trung Quốc “không còn trông đợi thiện chí từ phía Mỹ”, Hồ Tích Tấn, tổng biên tập Hoàn cầu thời báo, viết trên Twitter hôm qua.
Theo Reuters, quyết định của Mỹ xuất hiện chưa đầy ba tuần sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nói giá trị của đồng nhân dân tệ phù hợp với các chỉ số cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc, trong khi đồng dollar Mỹ tăng giá so với giá trị thực từ 6-12%.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói chính phủ Mỹ sẽ phối hợp với IMF để loại trừ hành vi cạnh tranh không công bằng từ Trung Quốc. Đại diện IMF nói họ chưa có bình luận về vụ việc.
Khi xác định một quốc gia nào đó thao túng tiền tệ, Bộ Tài chính Mỹ bắt buộc phải yêu cầu các cuộc đàm phán đặc biệt nhằm mục đích điều chỉnh lại đồng tiền bị cho là bị xác định thấp hơn giá trị thực, đi kèm là các biện pháp trừng phạt, ví dụ loại ra khỏi các hợp đồng mua sắm của chính phủ Mỹ.
“Gắn mác Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ có thể mở ra khả năng Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên trên mức 25%”, theo nhận định của công ty tư vấn tài chính tiền tệ DBS.
Lần gần nhất Trung Quốc bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ là vào năm 1994, dưới thời Tổng thống Bill Clinton.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump đã cam kết chính thức gắn mác thao túng tiền tệ cho Trung Quốc ngay khi ông lên nắm quyền, nhưng đã bỏ qua nhiều cơ hội để làm vậy.
Theo một điều luật ra đời năm 1998, bộ Tài chính Mỹ phải nêu tên bất cứ quốc gia nào mà họ thấy là sử dụng đồng nội tệ nhằm giành lợi thế trước nước Mỹ.
Mặc dù trong báo cáo của chính phủ Mỹ gửi quốc hội hồi tháng 5 không gắn mác Trung Quốc là thao túng tiền tệ, họ đã lập một danh sách mà theo họ “cần phải theo dõi”, bao gồm Trung Quốc, Đức, Ireland, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Việt Nam.
Chính phủ Mỹ đã chọn thời điểm hôm thứ Hai vừa qua, giữa lúc đôi bên đang ăn miếng trả miếng về thương mại, thay vì đợi đến kỳ báo cáo quốc hội như thường lệ, cho thấy rất có thể động thái mới của Washington có động cơ chính trị, SCMP dẫn ý kiến của Michael Hirson, chuyên gia của hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group từng làm việc cho bộ Tài chính Mỹ chuyên về mảng Trung Quốc.
Ông Hirson nói xếp Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ không nhất thiết hàm chứa ý đồ lớn về chính sách, hay dẫn đến các lệnh trừng phạt ngay lập tức.
Tuy nhiên, điều thấy rõ nhất là các thị trường chứng khoán khắp châu Á ngay lập tức bị bao trùm sắc đỏ, khi một mặt trận mới về tiền tệ được mở ra trong cuộc đấu giữa Mỹ và Trung Quốc.
Lần gần nhất Trung Quốc bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ là vào năm 1994, dưới thời Tổng thống Bill Clinton.