Thuốc và món ăn hỗ trợ trị lao phổi

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Lao là một bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn Mycobacterium. Bệnh thường ở phổi, nhưng cũng có thể ở các tạng phủ khác (lao màng não, lao màng phổi, lao màng bụng, màng tim, lao hạch, lao khớp...).

Lao là một bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn Mycobacterium. Bệnh thường ở phổi, nhưng cũng có thể ở các tạng phủ khác (lao màng não, lao màng phổi, lao màng bụng, màng tim, lao hạch, lao khớp...). YHHÐ đã tìm ra cách diệt trực khuẩn bằng các thuốc đặc hiệu, tuy nhiên, ngoài việc dùng thuốc theo phác đồ, YHCT có những bài thuốc - món ăn tốt giúp nâng cao hiệu quả chữa bệnh.

Lao phổi thuộc phạm vi chứng phế lao, có nhiều giai đoạn bệnh và cách chữa khác nhau. Lúc đầu do chính khí hư, tinh huyết bị suy tổn làm bệnh tà xâm phạm vào phế. Bệnh biểu hiện phế âm hư, sau đó gây thận âm hư và đến giai đoạn cuối là phế, tỳ, thận đều hư (khí âm hư). Sau đây là một số bài thuốc và món ăn hỗ trợ trị lao phổi thể phế thận âm hư.

Người bệnh có biểu hiện sốt về chiều, nhức trong xương, ra mồ hôi trộm, lòng bàn tay bàn chân nóng, trằn trọc, dễ cáu gắt, đau ngực, ít ngủ, sụt cân, nam giới di tinh, phụ nữ kinh nguyệt không đều. Lưỡi khô, họng khô, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác. Phương pháp chữa: tư âm giáng hỏa, nhuận phế chỉ khái. Dùng một trong các bài thuốc sau:

Bài 1: sinh địa 12g, huyền sâm 8g, địa cốt bì 8g, mạch môn 12g, sa sâm 12g, hạ khô thảo 16g, xạ can 6g, bách bộ chế 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: Bách hợp cố kim thang gia giảm: sinh địa 16g, huyền sâm 12g, bách hợp 12g, bạch cập 8g, mạch môn 12g, sa sâm 12g, hạ khô thảo 16g, bách bộ 12g, hoàng cầm 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Gia giảm: nếu nhức trong xương thêm địa cốt bì 12g, miết giáp 20g; ra mồ hôi trộm thêm long cốt 16g; ngủ ít thêm táo nhân 12g, bá tử nhân 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Món ăn - thuốc hỗ trợ trị bệnh

Cháo gạo hòa nước sinh địa: nước ép sinh địa hoàng 300ml hòa vào cháo gạo vừa chín khuấy đều cho ăn khi đói. Dùng cho các bệnh nhân khái huyết (ho ra máu) do lao phổi, giãn phế quản, ho khan ít đờm.

Mướp tươi ép nước: mướp tươi ép lấy nước thêm mật ong hoặc mật mía khuấy đều cho uống. Dùng cho các bệnh nhân lao phổi, ho thành cơn dài ngày.

Hoàng tinh chế đường phèn: hoàng tinh tươi 60g, đường phèn 30g. Nấu nhừ khuấy đều ăn. Dùng cho bệnh nhân lao phổi, khái huyết, khí hư, huyết trắng.

Yến sào kỷ tử hấp đường: yến sào 10g, kỷ tử 15g, đường kính 100g. Yến sào ngâm rửa sạch, cho nước đun sôi cho nở ra, thái nhỏ. Cho yến sào, kỷ tử và đường kính với lượng nước thích hợp, đun cách thủy 30 phút. Dùng cho trường hợp viêm phế quản mạn, lao phổi, giãn phế quản.

Ba ba hầm thục địa kỷ tử: ba ba 1 con, kỷ tử 30g, thục địa 20g, có thể thêm nữ trinh tử 15g, thêm nước sạch vừa đủ; nấu chín nhừ, bỏ bã dược liệu, thêm gia vị. Dùng cho các trường hợp lao phổi, viêm khí phế quản mạn tính, suy nhược cơ thể, biếng ăn, thiếu máu, xơ gan, viêm gan mạn, hồi hộp khó thở, tim đập mạnh.

Yến sào hầm bạch cập: bạch cập 10g, yến sào 10g đặt trong bát, thêm nước, cùng đặt trong nồi đun cách thủy cho thực chín nhuyễn, lọc qua rây vải xô, bỏ bã, cho thêm đường phèn 10g khuấy cho tan đều. Mỗi ngày làm 1 lần chia 2 lần ăn. Dùng cho lao phổi, ho lẫn đờm và huyết (khái huyết) tái đi tái lại.

Bột tắc kè (cáp giới tán): tắc kè 1 đôi, tẩm dấm rang cho chín vàng, tán bột, phổi dê 30g sấy khô tán bột, mạch môn 15g nướng chín khô tán bột. Rượu một chén đun nhỏ lửa cho sôi lăn tăn. Cho vào 9g bột mịn của tất cả các thành phần thực đơn trên đã được trộn đều, khuấy đều, cho ăn trong 1 lần. Ngày 1 - 2 lần. Dùng cho các trường hợp ho khan do viêm khí phế quản, do lao phổi.

Theo Theo SKĐS
MỚI - NÓNG