Người bị bệnh thấp khớp được ví như “cái máy dự báo thời tiết” bởi mỗi khi “trái gió chở trời” hay trong những ngày đông rét buốt là các khớp lại đau nhức, có khi sưng vù khiến họ bứt rứt, khó chịu, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt. Đó là khi họ phải nhờ đến sự trợ giúp của thuốc.
Những người “bạn đồng hành” được chia làm 2 nhóm: Nhóm có chứa corticoid (như Prednisolone, Dexamethasone hay Beta-methasone...) và Nhóm kháng viêm không steroid (gồm nhiều chủng loại khác nhau).
Cảnh giác với tác dụng phụ
Thuốc thấp khớp cũng là một trong những loại có nhiều tác dụng phụ nhất và điều đó lý giải vì sao việc dùng nó được bác sĩ nhắc nhở phải hết sức cẩn trọng.
- Nhóm có chứa corticoid giúp giảm đau rất nhanh nhưng tác dụng không lâu, do đó người bệnh thường phải sử dụng liên tiếp và kéo dài. Nhưng lại mâu thuẫn ở chỗ, nếu dùng lâu dài, họ sẽ bị phụ thuộc vào thuốc, không uống sẽ thấy người bải hoải, ăn ngủ không ngon, bị béo phì (do giữ nước) mặt và ngực tròn, dễ bị teo cơ, bị loãng xương, làm xương dễ gãy. Sẽ đặc biệt nguy hiểm nếu bạn lạm dụng thuốc, khi đó nhiều nguy cơ bị
chảy máu và thủng dạ dày, lên cơn cao huyết áp, dễ nhiễm khuẩn, tăng đường trong máu (bệnh đái tháo đường), suy tuyến thượng thận (dẫn đến tử vong)...
Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh tuyệt đối không tự mua thuốc thuộc nhóm này để dùng. Thuốc phải được thầy thuốc thăm khám, chỉ định và theo dõi chặt chẽ khi sử dụng. Ngoài ra, các bác sĩ chuyên khoa cũng lưu ý thêm: Tuy một số người tiêm thuốc trực tiếp vào ổ khớp mang lại hiệu quả tốt nhưng về lâu dài cách làm này có thể gây nên biến chứng khó lường và tốt nhất không nên điều trị theo cách này.
- Nhóm kháng viêm không steroid gây nhiều tác hại trên đường tiêu hóa như làm viêm loét nặng hơn, chảy máu hay thủng dạ dày tá tràng gây tiêu chảy; ảnh hưởng đến gan, thận và gây rối loạn đông máu.
Gần đây, các nhà nghiên cứu đã tìm ra nhóm kháng viêm không steroid ức chế chuyên biệt COX2 ít gây hại hơn. Tuy nhiên những bệnh nhân có tiền sử bị viêm loét dạ dày tá tràng, các rối loạn về chức năng gan, thận và đông máu phải hết sức cẩn thận khi sử dụng.
Ngoài ra, cần thận trọng khi sử dụng thuốc (ở cả hai nhóm) với bệnh nhân trên 60 tuổi, phụ nữ mang thai, đang cho con bú hay trẻ em dưới 13 tuổi. Đặc biệt là không nên sử dụng thuốc một cách bừa bãi, tự điều trị bằng thuốc bắc, thuốc nam hay các thuốc gia truyền... dễ gây nhiều biến chứng khôn lường.
Việc điều trị bệnh thấp khớp không chỉ bằng thuốc mà còn kết hợp các phương pháp khác. Khoa học cũng chứng minh rằng, châm cứu, bấm huyệt có tác dụng giảm đau, giãn cơ, điều chỉnh vận mạch... nhờ đó làm hiệu quả điều trị của thuốc, đồng thời còn giúp cho quá trình phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân thấp khớp.
Ngoài ra, bệnh nhân phải có chế độ ăn uống kiêng khem, không uống rượu (kể cả rượu ngâm thuốc), hạn chế bia, không ăn các phủ tạng động vật (lòng, tim, gan, tiết, bầu dục), thịt chó, dê, chim, thú rừng, tôm, cá biển... thì mới mong đẩy lùi bệnh lâu dài.