Thuốc làm từ nhau thai người: Đại bổ hay độc hại?

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Tử hà sa (nhau thai người) được đồn thổi như một loại 'thần dược' có tác dụng chữa nhiều bệnh, bổ dưỡng, thậm chí là bổ thận, tráng dương, tăng cường hoạt động tình dục. Vậy thực hư về thông tin này như thế nào?
Gần đây dư luận xôn xao thông tin về thuốc "làm từ thịt người" có xuất xứ ở Trung Quốc. Bộ Y tế Việt Nam đã khẳng định không không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành các "thuốc làm từ thịt người". Ở góc độ y học cổ truyền, các chuyên gia cũng khẳng định: Y văn không nhắc đến loại thuốc này.

TS.BS Trần Thái Hà – Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương khẳng định: Ngay cả trong các sách cổ từ xa xưa, chúng tôi cũng không nghe nhắc đến việc dùng thịt người làm thuốc.

Theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam, nhau thai người cần phải được xử lý thật chặt chẽ như là chất thải trong nhóm chất thải y tế lây nhiễm cần đưa đi tiêu hủy. Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục Quản lý Dược cho biết Việt Nam hiện cấm sản xuất, lưu hành thuốc làm từ nhau thai người. Cục Quản lý Dược năm 2015 đã ra công văn cấm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm có thành phần nguồn gốc từ con người.

Trước đây, trong Đông y có nói đến vị thuốc "Tử hà sa" (nhau thai người), tuy nhiên, TS.BS Trần Thái Hà nhấn mạnh, hiện nay các bác sĩ y học cổ truyền cũng không dùng đến vị thuốc này nữa.

Đồng quan điểm, Lương y Vũ Quốc Trung - Hội Đông y Hà Nội cũng cho biết, trong Đông y, chỉ có duy nhất một bộ phận của người được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, đó là nhau thai của bà đẻ trong bài thuốc Hà xa đại tạo hoàn. Nhau thai là bộ phận trong tử cung của người mẹ, phần phụ của thai, có nhiệm vụ bảo vệ và nuôi dưỡng bào thai.

Trong y học cổ truyền, nhau thai khô được gọi là “tử hà sa”, người ta truyền tai nhau rằng nó có tác dụng tốt với sức khỏe.

Tử hà sa hiện nay đựợc chế biến từ nhau thai người khô hoặc biến thành bột được dùng hiện nay được xem là một loại thuốc bổ Đông y. Theo y học cổ truyền thì nhau thai có công dụng bổ khí, dưỡng huyết, ích tinh, thường dùng để chữa các chứng bệnh suy nhược, gầy yếu, di tinh, liệt dương, phụ nữ thiếu máu, muộn con, thiếu sữa sau khi sinh nở…

Thuốc làm từ nhau thai người: Đại bổ hay độc hại? ảnh 1 Theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam, nhau thai người cần phải được xử lý thật chặt chẽ như là chất thải trong nhóm chất thải y tế lây nhiễm cần đưa đi tiêu hủy. 

Theo tin đồn, tử hà sa có tác dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường hoạt động tình dục. Vì tin đồn đó mà nhiều người dân tìm cách mua tử hà sa ở các chợ dược liệu, tiệm thuốc Đông y (do cơ quan chức năng quản lý không chặt chẽ nên vẫn có nguồn cung cấp nhau tử hà sa lậu từ Trung Quốc sang Việt Nam).

Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh các công dụng vừa kể, ngoại trừ với chứng suy nhược, nhau thai có thể giúp bổ dưỡng như thịt gà, thịt bò… (do chứa nhiều acid amin của chất đạm).

Tử hà sa bán trên thị trường không có nguồn gốc rõ ràng có nguy cơ rất lớn là mang mầm bệnh. Bởi vì, nhau thai nằm trong một cơ thể sống, mà bất cứ cơ thể sống nào là người cũng có thể nhiễm các bệnh truyền nhiễm do siêu vi, vi khuẩn, ký sinh trùng… Nếu nhau thai không được kiểm tra, chế biến trong điều kiện vô trùng đều có nguy cơ chứa mầm bệnh trong chính nhau thai. Việc dùng nhau thai người, vì vậy, rất nguy hiểm vì có thể bị lây nhiễm các bệnh gây khủng hoảng toàn cầu như HIV, viêm gan b và C...

Theo quy định của Bộ Y tế, nhau thai người cần phải được xử lý thật chặt chẽ như là chất thải trong nhóm chất thải y tế lây nhiễm cần đưa đi tiêu hủy. Theo một số thầy thuốc Đông y, có khi nhu cầu sử dụng tử hà sa của thầy thuốc Đông y là có thật, tuy nhiên, họ không dám dùng vì bệnh viêm gan siêu vi và HIV ngày càng tăng, mà chế phẩm bán trôi nổi hiện nay lại không rõ nguồn gốc, không đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng.

Ngoài bị các bệnh truyền nhiễm do mầm bệnh chứa trong nhau thai, người dùng tử hà sa còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh khác do vấn đề bảo quản (nhau thai là môi trường rất tốt phát triển các mầm bệnh lây qua đường tiêu hóa) như tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn, siêu vi, ký sinh trùng…

MỚI - NÓNG