Thuốc kích thích trẻ thèm ăn: rất hại
> Mùa hè, cẩn thận viêm ruột hoại tử
Anh Mai Thanh Bình, ngụ tại phường 17, đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TP.HCM, gửi thư cho Sài Gòn Tiếp Thị, phản ánh: con gái anh gần 14 tháng tuổi, có biểu hiện biếng ăn, ngậm lâu không chịu nuốt, dù cháu vẫn khỏe khỏe mạnh, sinh hoạt không có biểu hiện bất thường.
Được sự giới thiệu của một số người bạn có con bị biếng ăn, anh chị đưa con đến phòng khám tư của BS. Đ.Y.P ở đường Ngô Quyền, phường 6, quận 10 để khám. Sau khi khám, bác sĩ kết luận, bé bị thiếu 0,5kg, chiều cao thiếu 1,5cm so với chuẩn. Sau đó bác sĩ kê hai toa thuốc, một trị viêm họng và một trị biếng ăn, nhưng cả hai đều có thuốc Peritol và Dynamogen. Bác sĩ nói, chỉ cần uống trong vòng một tháng bé sẽ tăng cân.
Sau khi dùng toa thuốc trên hai ngày, gia đình thấy con thay đổi hẳn, bú nhiều hơn và ăn bớt ngậm. "Tuy nhiên, sau khi tra khảo thông tin, hỏi nhiều bác sĩ thì được biết cả hai loại thuốc này mặc dù kích thích trẻ thèm ăn nhưng gây ra nhiều tác dụng phụ rất xấu, nhiều nước đã cấm dùng cho trẻ dưới 2 tuổi. Gia đình chúng tôi vô cùng lo lắng", anh Mai Thanh Bình cho biết
Bác sĩ kê toa: "Không sao" (?)
Trao đổi với phóng viên về việc kê toa hai loại thuốc trên, bác sĩ Đ.Y.P cho rằng theo hướng dẫn của cục Quản lý dược về chống chỉ định và thận trọng của Dynamogen, thuốc không có chống chỉ định cũng như thận trọng dùng cho trẻ dưới 2 tuổi, chỉ khuyến cáo là hạn chế dùng. "Thời gian và liều lượng dùng mà tôi chỉ định trong toa thuốc trên không thể gây tác hại cho trẻ", bác sĩ Đ.Y.P nói.
Cũng theo bác sĩ này, Dynamogen là thuốc chống suy nhược, phối hợp giữa hai hoạt chất khác nhau và mới có sau này, nên hiện các dược điển ở Việt Nam đều chưa có hướng dẫn ghi toa, mà sử dụng hướng dẫn ghi toa của hai thành phần là D-Arginine và Cyproheptadine. Thành phần cần thận trọng của Dynamogen chỉ là do Keto-Cyproheptadin, chứ Arginine thì hoàn toàn không có chống chỉ định cho bất kỳ đối tượng nào. Keto-Cyproheptadin là thế hệ sau, tức là mới hơn Peritol, nên tác dụng phụ còn ít hơn Peritol.
Còn về thuốc Peritol, bác sĩ Đ.Y.P đưa ra dẫn chứng từ dược điển Việt Nam tháng 3.2007: trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi sử dụng Peritol 0,4mg/kg/ngày.
Thuốc rất có hại
Theo PGS.DS. Nguyễn Hữu Đức, khoa dược, trường đại học Y dược TP.HCM, thuốc Peritol thì thế giới đã cấm dùng cho trẻ dưới 2 tuổi từ lâu nhưng Việt Nam vẫn dùng. Peritol có chỉ định chữa dị ứng, gây buồn ngủ nên không dùng cho phụ nữ có thai, người cao tuổi và trẻ dưới 2 tuổi.
Thuốc có tác dụng phụ ảnh hưởng lên cơ quan thần kinh trung ương, gây ức chế, ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của trẻ. Còn thuốc Dynamogen là một sản phẩm có khả năng ngăn chặn sự suy nhược của cơ thể và tinh thần gây ra cảm giác chán ăn. Thuốc kích thích ăn ngon miệng, không được dùng cho phụ nữ có thai, trong thời kỳ cho con bú, trẻ đẻ non hoặc trẻ sơ sinh.
Dược sĩ Đỗ Văn Dũng, phó phòng quản lý Dược, sở Y tế TP.HCM, giải thích Peritol là biệt dược của thuốc chứa hoạt chất Cyproheptadin, là thuốc chống dị ứng (nổi mề đay, ngứa, sổ mũi, co thắt phế quản, viêm kết mạc mắt...). Cyproheptadin còn kích thích sự thèm ăn nên hay bị lạm dụng trị chứng chán ăn nhiều hơn là dùng trị dị ứng. Thuốc này có tác dụng phụ là gây buồn ngủ, cho nên một số người kém ăn, khó ngủ thường chuộng. Nếu uống vào ban đêm sẽ dễ ngủ, uống vào ban ngày cảm thấy thèm ăn.
Tuy nhiên, Cyproheptadin không được chỉ định dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi vì có tác dụng kháng tiết cholin gây khô miệng, táo bón, nhìn mờ, khó tiểu tiện, lại ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương gây tình trạng ngầy ngật trong thời gian dài.
Tác dụng gây thèm ăn, tăng cân của thuốc này chỉ xuất hiện trong thời gian dùng thuốc, khi ngừng uống có thể bị tác dụng ngược: ăn mất ngon và sụt cân trở lại. Thuốc này cũng không được dùng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú (vì thuốc ức chế sự tiết sữa, thèm ăn, ăn thêm nhiều nhưng lại mất sữa). Do đó, nhiều nước cấm dùng thuốc này để kích thích thèm ăn mà chỉ duy trì để chống dị ứng. Ở Việt Nam, thuốc này vẫn đang lưu hành nhưng được khuyến cáo dùng chống dị ứng.
Theo dược sĩ Dũng, chứng chán ăn có thể do nguyên nhân bị lao, phổi, bệnh đường tiêu hóa, rối loạn tâm thần... đặc biệt có thể do nguyên nhân tâm lý. Vì vậy, gia đình và bác sĩ phải xác định đúng nguyên nhân để chữa trị.
Theo Hoàng Nhung
Sài Gòn Tiếp Thị