Thuốc chống viêm “kỵ” bà bầu

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Những loại thuốc thông thường cũng có thể trở thành mối hiểm nguy nếu như bạn đang trong thời kỳ bầu bí.

Dùng thuốc chống viêm khi bị viêm đau xương khớp, chấn thương, bong gân hay đơn giản là sốt cao do viêm hay nhiễm trùng là điều hoàn toàn phù hợp. Nhưng khi bạn có bầu thì khác, hãy thận trọng vì không phải tất cả chúng đều an toàn.

Bốn nguyên tắc quan trọng

- Không dùng thuốc chống viêm vào giai đoạn cuối của thai kỳ.

- Kết thúc dùng thuốc chống viêm trước tuần thứ 32 của thai kỳ.

- Không dùng kéo dài quá một tháng. Nên ngừng lại và nghỉ một thời gian trước khi dùng tiếp.

- Nên uống nhiều nước khi uống thuốc để giảm tác hại đối với thai nhi.

1. Gây quái thai

Trong các loại thuốc chống viêm thì Phenylbutazone là nhóm đáng nghi ngại nhất về vấn đề này. Người ta đã thử nghiệm trên động vật và thấy rằng, Phenylbutazone và các sản phẩm cùng dòng có thể gây ra quái thai cho thai nhi. Mặc dù là chưa có bằng chứng chính thức trên người nhưng người ta mạnh mẽ khuyến cáo không nên sử dụng thuốc này trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ.

2. Ức chế co bóp tử cung và gây khó đẻ

Indomethacin và Aspirin là hai loại thuốc chống viêm rất “kỵ” bà bầu. Đặc biệt với Indomethacin, giới chuyên môn đã tìm thấy những bằng chứng chắc chắn và cơ chế rõ ràng gây ra hiện tượng ức chế co bóp tử cung, gây khó đẻ ở loại thuốc này.

Cả hai thuốc này ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin trong cơ thể. Thiếu hụt prostaglandin, cơ tử cung bị “đờ” ra và làm kéo dài cuộc chuyển dạ, việc sinh nở trên nên khó khăn hơn và kéo dài hơn.

Thường thì những bà mẹ dùng những thuốc này trong 3 tháng cuối của thai kỳ sẽ phải tiêm thêm thuốc trợ đẻ, hay còn gọi là thuốc kích thích co bóp tử cung oxytocin.

3. Tăng áp động mạch phổi

Bên cạnh nguy cơ gây khó đẻ thì Indomethacin, Aspirin còn có thể gây tăng áp động mạch phổi.

Indomethacin là thuốc chống viêm liên quan nhiều đến sự ức chế tổng hợp prostaglandin. Mà chất prostaglandin trong thai nhi càng thấp thì ống thông động mạch đóng càng sớm, càng làm tăng áp động mạch phổi.

Vì vậy, nếu bà mẹ mang thai (nhất là vào cuối thai kỳ) sử dụng Indomethacin có thể đẫn đến tăng áp lực động mạch phổi thai nhi. Kết luận này đã được khẳng định trong công trình nghiên cứu công bố năm 2001 của chuyên gia nghiên cứu về khớp và viêm khớp Ostensen, thuộc Bệnh viện Đại học Berne, Thụy Sỹ.

4. Làm suy chức năng thận

Suy chức năng thận của thai nhi là một biến chứng có thể thấy ở một số loại thuốc kháng viêm như Indomethacin, Diclofenac, Nimesulide... Mặc dù cơ chế còn chưa rõ nhưng bằng những quan sát trên siêu âm và đo thể tích dịch ối người ta thấy khi dùng các thuốc này, mức độ tạo ra nước tiểu của thai nhi giảm hẳn.

Mức độ gây hại cho thận liên quan đến liều lượng thuốc sử dụng, thời gian sử dụng và thời điểm sử dụng. Nhìn chung dùng liều càng cao, thời gian dùng càng kéo dài (trên 4 tuần) và càng gần thời kỳ cuối của thai nhi thì mức độ gây hại càng nặng và thận của trẻ em càng khó phục hồi.

Chuyên gia nghiên cứu dược lý học Cuzzolin, Đại học Verona, Italy đã theo dõi những bà mẹ đã dùng Indomethacin ở thời kỳ cuối của giai đoạn mang thai thấy chức nặng thận của đứa trẻ không thể phục hồi vào những thời gian phát triển sau.

5. Thuốc gây chảy máu tử cung

Aspirin là thuốc điển hình gây ra tác dụng này. Aspirin được khuyên không nên dùng ở thai kỳ vì người ta nghi ngại tác dụng phụ của thuốc là ức chế co bóp tử cung sau đẻ và ức chế ngưng tập tiểu cầu. Đây thực sự là một mối lo lắng hàng đầu vì nó quyết định đến sinh mạng của người mẹ.

Cần biết, sau khi đẻ, tử cung chỉ có hai cơ chế cầm máu duy nhất là co rút khối cơ tử cung để thít chặt mạch máu và kết dính tiểu cầu khởi động quá trình tạo cục máu đông. Cả hai cơ chế quan trọng nhất trên đều bị phá hại bởi Aspirin. Vì vậy mà rất nguy hiểm cho mẹ sau sinh. Thậm chí, mức độ nặng còn có thể gây tử vong.

Bên cạnh đó là tác hại rất lớn trên thai nhi. Chuyện chuyển dạ gây sang chấn cơ học cho thai nhi là chuyện bình thường. Nếu dùng Aspirin ở bà mẹ thì sẽ gây ra tăng nguy cơ chảy máu cho con do những chấn thương trong chuyển dạ. Rất có thể con bạn sẽ bị máu tụ bầm ở mặt, thân mình hay chảy máu nội sọ.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG