Thuốc đặt âm đạo: Theo lời khuyên của BS. Nguyễn Thị Thúy Hà, Phòng khám và tư vấn sản phụ khoa 68 (Dốc Phụ sản Hà Nội), chị em dù đã được kê toa thuốc đặt âm đạo, nhưng đang còn kinh thì cũng chưa đặt. Bạn cần đợi khi sạch kinh mới đặt thuốc và liệu trình đặt thuốc phải chấm dứt trước kỳ kinh tiếp theo.
Thuốc đặt âm đạo có tác dụng kháng viêm nấm. Nhưng nếu đặt trong khi bạn đang có kinh thì thuốc không hiệu quả mà còn làm gia tăng viêm nhiễm. Nguyên nhân là trong kỳ kinh, màng nhầy tử cung xuất huyết, miệng tử cung mở rộng, đặt thuốc âm đạo sẽ giống như tạo cột chống để mở cửa tử cung cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập.
Thuốc chống đông máu: Đây là thuốc dùng để chống hình thành cục máu đông ở tĩnh mạch, tĩnh mạch, tim dành cho người có huyết khối. Chúng có thể khiến máu của bạn “loãng” hơn, đồng thời trong kỳ kinh, lượng tiểu cầu và yếu tố đông máu giảm xuống. Do vậy dùng thuốc trong giai đoạn hành kinh có thể khiến bạn tăng lượng máu kinh gây mất nhiều máu, mệt mỏi. Khi thấy tình trạng máu kinh ra nhiều hơn bình thường, bạn hãy nói với bác sỹ điều trị để có thể tạm dừng hoặc giảm liều lượng.
Thuốc nhuận tràng: Các loại nhuận tràng tăng nhu động ruột, dạ dày nhằm mục đích giảm táo bón. Nhưng trong kỳ kinh, nhu động ruột, dạ dày mạnh có thể làm tăng co bóp đẩy máu kinh ra nhiều hơn. Vì vậy trong kỳ kinh, bạn nên hạn chế dùng thuốc nhuận tràng có tính tẩy mạnh.
Thuốc có estrogen: Trong kỳ kinh, lượng hormone sinh dục thay đổi, nên việc uống thêm hormone này dễ gây ra rối loạn nội tiết. Một số chị em dùng thuốc có hormone để điều hòa kinh nguyệt nhưng một số khác có thể đau bụng dữ dội, ra nhiều máu trong kỳ kinh nguyệt lại do liên quan tới vấn đề cường estrogen.
Vì vậy, nếu bạn dùng thuốc có hàm lượng estrogen lớn (thuốc kích thích tình dục, thuốc tránh thai…) thì càng làm tăng cơn đau và rối loạn kinh. Thông thường các thuốc chỉ riêng estrogen chỉ nên dành cho phụ nữ ở tuổi mãn kinh, cho những người thiếu estrogen. Nếu trong độ tuổi kinh nguyệt, bạn nên dùng thuốc có kết hợp giữa thuốc có estrogen và progesteron. Các loại thuốc này cần có sự tư vấn của bác sỹ.
Thuốc cầm máu: Bạn có thể phải dùng thuốc cầm máu khi bị rong kinh kéo dài hoặc điều trị một số dạng xuất huyết (tiêu hóa, chảy máu vết thương…). Nhưng nếu trong kỳ kinh nguyệt, bạn dùng thuốc cầm máu có thể khiến cho lượng máu kinh ra không đều, tạo cục máu đông. Vì vậy nếu đang phải dùng loại thuốc này, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ, có thể dùng giảm liều trong ngày “đèn đỏ”.