Thuế ra tay, doanh nghiệp FDI giảm lỗ ngàn tỷ

Sau khi bị thanh tra do có dấu hiệu chuyển giá, Keangnam Vina đã phải giảm nhiều khoản chi phí vô lý (Ảnh chụp tòa nhà cao nhất Hà Nội do Keangnam Vina đầu tư)
Sau khi bị thanh tra do có dấu hiệu chuyển giá, Keangnam Vina đã phải giảm nhiều khoản chi phí vô lý (Ảnh chụp tòa nhà cao nhất Hà Nội do Keangnam Vina đầu tư)
TP - Kết quả thanh tra chuyển giá của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã khiến DN phải giảm lỗ hàng ngàn tỷ đồng trong năm 2012. Đặc biệt, nhiều đại gia lớn phải rục rịch giảm lỗ và hạn chế chi phí trên trời...

> Chủ doanh nghiệp FDI bỏ trốn, ngân hàng Việt điêu đứng
> Rất khó tìm doanh nghiệp FDI bỏ trốn, xù nợ

Giảm lỗ hàng ngàn tỷ đồng

Theo Cục Thuế TPHCM, trong năm 2012, cơ quan này đã thanh tra 277 doanh nghiệp (DN) kê khai lỗ và DN giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá. Kết quả, đã giảm lỗ hơn 2.688,5 tỷ đồng; giảm khấu trừ 86,8 tỷ đồng; truy thu, truy hoàn và phạt 2.611 tỷ đồng.

Riêng thanh tra 16 DN dệt may có dấu hiệu chuyển giá, Cục Thuế đã giảm lỗ 367,8 tỷ đồng và truy thu 11,3 tỷ đồng. Chiêu thức chuyển giá của DN dệt may là khai tăng chi phí nguyên liệu đầu vào, giá gia công sản phẩm thấp dẫn tới thua lỗ triền miên.

Tại Đồng Nai, cơ quan thuế thanh tra giá chuyển nhượng tại một DN FDI sản xuất sợi (vốn đầu tư 7 triệu USD) khai lỗ hơn 2.100 tỷ đồng.

Kết quả, đã buộc DN giảm hết số lỗ khai báo và xác định thu nhập chịu thuế hơn 1.100 tỷ đồng. Kết quả thanh tra đã giúp ngân sách không bị thất thu hơn 340 tỷ đồng và có cơ sở để đấu tranh với các DN chuyển giá khác.

Trước vấn nạn chuyển giá ngày càng gia tăng, Tổng cục Thuế xây dựng chương trình thanh tra kiểm soát giá chuyển nhượng trong giai đoạn 2012-2015.

Trong đó, tập trung thanh tra DN FDI ở 5 lĩnh vực là bất động sản, xây dựng (Hà Nội), dệt may (TPHCM), sản xuất sợi vải (Đồng Nai), sản xuất lắp ráp ô tô (Vĩnh Phúc), sản xuất cơ khí (Bình Dương). Hàng loạt DN liên tục báo lỗ nhưng vẫn đầu tư mở rộng sẽ bị đưa vào tầm ngắm thanh tra.

Theo chương trình này, tháng 9-2012, Cục Thuế TP Hà Nội đã tiến hành thanh tra chuyển giá tại Cty TNHH một thành viên Keangnam Vina. Đây là DN 100% vốn của Hàn Quốc (thành lập năm 2007) nhưng liên tục báo lỗ với tổng số lỗ lũy kế đến hết năm 2011 là 277 tỷ đồng.

 Nội dungTheo nhiều chuyên gia, cần phải xem xét lại chính sách thu hút đầu tư để không tạo kẽ hở cho DN lợi dụng, chuyển giá, lách thuế. Ví dụ, quy định DN vào Việt Nam đầu tư phải có lãi tối thiểu là bao nhiêu, hoặc chỉ cho hưởng ưu đãi trong một thời gian nhất định... 

Có nhiều nghi vấn chuyển giá trong các giao dịch liên kết đang được cơ quan thuế làm rõ, như Keangnam Vina trả lãi suất tiền vay tới 12%/năm (lãi suất của ngân hàng Việt Nam từ 5-7%/năm) cho khoản vay 400 triệu USD từ ngân hàng Kookmin bank (Hàn Quốc)- thành viên trong cùng tập đoàn; trả phí dàn xếp vốn tới 30 triệu USD cho nhà thầu chính- Cty Keangnam Enterprises.Ltd. Và nhiều khoản chi phí khác lên tới vài triệu USD…

Một cán bộ của Tổng cục Thuế tiết lộ, sau nhiều cuộc làm việc, Keangnam Vina đã chịu điều chỉnh giảm lãi suất vay vốn xuống mức thấp hơn, giảm lỗ. Hiện, cơ quan thuế đang phân tích hồ sơ, làm rõ các chi phí không hợp lý trong các giao dịch giữa Keangnam Vina và đối tác.

Khó xử lý

Hiện nay, đang có bối rối trong việc đánh giá chuyển giá là hành vi trốn thuế hay lách thuế? Theo một lãnh đạo Cục thuế TPHCM, ngoài các ưu đãi được hưởng, các DN FDI đầu tư vào Việt Nam còn tận dụng kẽ hở của pháp luật thuế để tiết kiệm tiền thuế, tức là lách thuế một cách hợp pháp.

“Các công ty đa quốc gia thường tìm cách né thuế ở Việt Nam (thuế suất cao) bằng cách chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (thuế suất thấp). Trên nghĩa hẹp, thì đây là họ trốn thuế. Nhưng trên nghĩa rộng, chỉ là né thuế thôi.

Vì họ chuyển thu nhập về quốc gia mà công ty đóng trụ sở chính hoặc một doanh nghiệp được chỉ định thì có thể họ vẫn phải nộp thuế ở quốc gia đó, nhưng mức thuế suất thấp hơn”- vị lãnh đạo này phân tích.

Thực tế, vì DN vẫn kê khai các chi phí hợp lý nên cơ quan thuế không thể bắt tội trốn thuế, không xử phạt được, dù ngân sách bị thất thu rất lớn.

Nhiều năm qua, cơ quan thuế đã nhận thấy có dấu hiệu chuyển giá tại một số công ty thuộc các tập đoàn đa quốc gia như Coca-cola, Adidas, Metro Cash& Carry, BigC….

Dù vẫn tăng trưởng doanh thu, mạng lưới, thị phần mở rộng rất nhanh, nhưng các doanh nghiệp này liên tục báo lỗ, hoặc lãi ít, nộp thuế thấp.

Từ khi thành lập (năm 1994) đến nay, Cty Coca-cola Việt Nam báo lỗ hơn trăm tỷ đồng mỗi năm, tổng số lỗ lũy kế lên tới 3.768 tỷ đồng.

Lý do vì chi phí nhập khẩu nguyên phụ liệu từ công ty mẹ ở nước ngoài cao (chiếm tới 70-80% giá vốn), chi phí đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường, tăng lương cho công nhân... nên không có lãi.

Tại Cty TNHH Adidas Việt Nam, Cục Thuế TPHCM đã phát hiện nhiều khoản chi phí không hợp lý như chi phí tiếp thị quốc tế, chi phí quản lý vùng, chi phí mua hàng… Các khoản chi phí này phát sinh trong giao dịch liên kết giữa Adidas Việt Nam với các công ty khác trong cùng hệ thống trên toàn cầu đã khiến lợi nhuận của DN giảm mạnh.

Theo quy định, DN FDI được lựa chọn 2 hình thức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là 25% lợi nhuận hoặc 2% doanh thu của nhà thầu. Tại Cty Keangnam Vina, việc thuê nhà thầu trong cùng tập đoàn thi công đã cho phép công ty này “né” thuế, giảm mạnh số thuế phải nộp.

Theo các báo cáo tài chính của Keangnam Vina, số thuế nhà thầu chỉ khoảng 180 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 10% số thuế tính trên lợi nhuận (gần 1.900 tỷ đồng).

Mặt khác, một lãnh đạo của Cục Thuế TP Hà Nội nói: “Cán bộ thuế không có chuyên môn sâu về lĩnh vực sản xuất, xây dựng… nên rất khó xác định giá thành nguyên vật liệu.

Đơn cử, nhà thầu bê tông chỉ cần cho thêm chất phụ gia thì giá bê tông có thể tăng gấp vài lần”. Cán bộ thuế cũng khó bóc tách chi phí của từng hạng mục, công trình, dự án để xác định chi phí nào không hợp lý.

Với các lĩnh vực như sản xuất thực phẩm, đồ uống, dệt may, bán lẻ, bất động sản, sản xuất và lắp ráp ôtô… chiêu thức chuyển giá phổ biến là nâng giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng chi phí quản lý, tiếp thị, hạ giá bán đầu ra, chuyển giá thông qua tài sản hữu hình, giao dịch liên kết…

Trong khi đó thì “cơ quan thuế không thể nắm rõ tập đoàn đầu tư tại Việt Nam có bao nhiêu công ty con, nằm ở nước nào, có mối quan hệ ra sao. Do đó, rất khó xác định được công ty hoạt động ở Việt Nam có quan hệ liên kết, từ đó có giao dịch liên kết để chuyển lợi nhuận hay không”- lãnh đạo của Cục Thuế Hà Nội nói.

Trong nỗ lực chống chuyển giá, cơ quan thuế đã kiến nghị, bổ sung vào Luật Quản lý thuế sửa đổi điều khoản về thỏa thuận tỷ lệ lãi nhất định để nộp thuế TNDN. Tỷ lệ lãi này sẽ do Bộ Tài chính và DN thỏa thuận tùy theo lĩnh vực, ngành nghề để đảm bảo hài hòa lợi ích hai bên, đảm bảo thu ngân sách.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG