Thuê người khoét núi lấy quặng sắt trái phép

Một điểm tập kết quặng sắt dưới chân núi.
Một điểm tập kết quặng sắt dưới chân núi.
TP - Ông Tr. thuê hàng chục nhân công đến xã Ðông, huyện Kbang, Gia Lai để khai thác quặng sắt trái phép. Ðáng nói, tình trạng này diễn ra trong thời gian dài nhưng chính quyền địa phương lại “không biết”.

Một công nhân đang nằm trên võng trong lúc nghỉ trưa cho biết, ông Tr. đã khai thác quặng sắt ở đây từ nhiều năm nay. Mỗi ngày công nhân được trả 170 nghìn đồng/người. Nhân công ở đây làm việc vất vả, không có máy móc hiện đại để phá những tảng quặng sắt lớn. Chỉ dùng các phương pháp thủ công để khai thác quặng sắt (cuốc chim, búa) trên diện tích hơn 30 ha. Trong khi đó bán 1kg quặng sắt có giá 2 nghìn đồng.

Theo nhân công này, 4 người làm trong một ngày được khoảng 6 khối quặng sắt. Tùy từng ngày, có ngày may mắn thì kiếm được tảng quặng lớn ở gần thì làm nhanh, còn ở xa thì phải đập vụn ra rồi mở đường từ trên núi xuống, kéo về bằng xe rùa. Đủ số lượng sẽ có xe ô tô lớn vào chở về nơi tập kết chính. Sau đó, ông Tr. tiếp tục thuê người chuyển từ các ô tô sang xe container 80 tấn chở đi bán sang Trung Quốc.

“Ông Tr. thuê hàng chục nhân công làm trên quả đồi này. Những tảng quặng trên đỉnh núi sẽ được lăn từ trên xuống. Để làm được việc này phải có người canh ở dưới để tảng quặng sắt không lăn trúng ai. Sau đó nhân công sẽ dùng búa đập nhỏ, bốc lên xe rùa chở đến bãi lớn. Quặng sắt nặng hơn đá, nên việc bốc vác rất vất vả”- Người này nói, đồng thời cho biết, trong ngày ông Tr. thường lên mang theo kem, nước ngọt cho nhân công ăn lấy sức làm.

Ghi nhận của PV cho thấy, ngọn núi mà ông Tr. cho nhân công khai thác quặng sắt trái phép bị đục khoét lỗ chỗ. Những cái hang khổng lồ ăn thẳng vào ngọn núi để lấy quặng. Việc này khiến những cây keo lai bằng bắp đùi bị đổ, chết. Tại thời điểm PV tiếp cận, có khoảng 10 tấn quặng sắt ở những điểm tập kết lớn nhỏ. Đặc biệt, con đường mà những xe ô tô vào chở quặng sắt cũng bị cày nát tạo thành những ổ voi.

Sau khi nghe PV trình báo thông tin trên, ông Phạm Xuân Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: Vị trí mà PV nói trên từng là mỏ quặng sắt đã được cấp phép cho Cty khoáng sản Gia Lai có diện tích hơn 35 ha. Tuy nhiên, khoảng 3 năm nay, mỏ này đã hết thời hạn cấp phép. Hiện đã làm thủ tục đóng cửa và giao cho địa phương quản lý để trồng keo lai phục hồi môi trường.

MỚI - NÓNG