Ðại công trường khai thác đá lậu: Ðẩy dân đến cửa tử

Đại công trường đã bất chấp lệnh cấm của chính quyền. Ảnh: L.N
Đại công trường đã bất chấp lệnh cấm của chính quyền. Ảnh: L.N
TP - Giấy phép khai thác đá hết hạn từ tháng 12/2017 nhưng nhiều tháng qua, Công ty CP Khoáng sản và xây dựng Bình Dương, Cty CP Trung Thành vẫn ngang nhiên nổ mìn phá đá tại mỏ Tân Ðông Hiệp (thị xã Dĩ An, Bình Dương) bất chấp sự can ngăn của chính quyền và nỗi oán thán vì ô nhiễm của người dân nơi đây.

Bên miệng “tử thần”

Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp rộng gần 45ha lâu nay được cấp phép khai thác cho 4 công ty đều có trụ sở ở tỉnh này. Ngoài Công ty CP Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (KSB), 3 công ty khác cũng được cấp quyền cho nổ mìn khai thác là Trung Thành, Công ty 3/2 và Công ty CP xây dựng Bình Dương.

“Mỏ vàng” này được cho là mang lại lợi nhuận hàng nghìn tỷ cho cả 4 công ty trên, tạo doanh thu lên đến 50% của KSB. Thế nhưng,  cũng chính nơi đây lại mang đến bao hiểm họa cho người dân trong khu vực, đó là nạn ô nhiễm môi trường cũng như nguy cơ bệnh tật. Sau thời gian dài thâm nhập vào mỏ đá này, phóng viên chứng kiến những lời than oán của người dân tại các khu phố Tân An và Đông An của phường Tân Đông Hiệp - Thị xã Dĩ An.

“Mấy chục năm nay, chúng tôi phải sống chung với khói bụi, đường đi vào khu phố bị cày nát, nhà cửa suốt ngày phải đóng kín”- ông Trần V.D, sống ở khu phố Tân An bức xúc.

Gần 360 hộ ở khu phố Đông An cũng chịu chung cảnh ngộ, bị ô nhiễm môi trường do việc khai thác đá tại mỏ đá Tân Đông Hiệp gây nên. Để giảm ô nhiễm từ khói bụi, người dân nơi đây phải dùng vòi nước để làm sạch sân nhà, dùng bạt che chắn…

Năm 2014, hàng trăm hộ dân sinh sống gần mỏ đá đã phản ứng quyết liệt với các công ty này khi đời sống của họ bị đảo lộn. Tình trạng nhà bị rung lắc, nứt do nổ mìn khai thác đá và bụi phát tán kể cả trong quá trình vận chuyển, chế biến khiến họ không chịu đựng thêm được. Trước phản ứng của dân và theo quy hoạch khoáng sản của tỉnh Bình Dương, các mỏ đá ở khu vực Dĩ An được khai thác đến cốt - 100 m và đến hết năm 2015.

Đến hết năm 2015, chính quyền tiếp tục gia hạn khai thác đá cho KSB và các đơn vị trên. Theo lộ trình này mỏ đá Tân Đông Hiệp được khai thác đến cốt -120m và sẽ đóng cửa vào tháng 12/2017. Cuối năm 2017, trong buổi tiếp xúc đại biểu Quốc hội, người dân phường Tân Đông Hiệp đã phản ánh mỏ đá này nổ mìn khai thác đá làm nứt nhà và đề nghị ngưng hoạt động vì có thể gây nguy hiểm cho người dân.

Đến thời điểm này, hàng trăm hộ dân sống chênh vênh bên miệng mỏ đã rộng hàng chục hecta, với những hố sâu hơn 100m. “Nhà chúng tôi chỉ còn cách mỏ đá 20-300m”. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị, cuối năm 2017 chính quyền nói đã đóng cửa nhưng mấy tháng nay các công ty này vẫn nổ mìn, hoạt động vẫn rầm rộ như trước" - một người dân nói.

Bất chấp lệnh cấm

Cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp được UBND tỉnh Bình Dương cấp giấy phép khai thác với diện tích cấp phép 447,923 m2, độ sâu khai thác đến -120m, công suất khai thác 3,945,510 m3/năm và thời hạn đến hết 31/12/ 2017.

Thế nhưng, trong các tháng 5,6 và nhiều ngày của tháng 7/2018, dưới lòng mỏ, hàng chục máy cào, máy xúc, xe ben, xe tải vẫn chạy, hoạt động như mắc cửi. Trên khu vực mỏ do Công ty KSB và Trung Thành khai thác, nhiều băng chuyền nghiền đá công suất lớn hoạt động không ngừng nghỉ. Kế đó là máy xúc liên tục xúc đá lên thùng xe tải, hết chuyến này đến chuyến khác rời đi.

Trong các ngày đầu tháng 6 vừa qua, khi phóng viên thâm nhập mỏ đá này, các hoạt động trên diễn ra bình thường, Công ty Cổ phần Trung Thành, KSB đã tiến hành cho nổ mìn khai thác đá. Khi phóng viên có mặt tại hiện trường đã quay được cảnh Công ty Trung Thành tiến hành nổ mìn bằng hiệu lệnh: “Trung Thành chuẩn bị, Trung Thành chuẩn bị. Bắt đầu nổ…”.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, Công ty KSB chính thức hết hạn khai thác tại mỏ Tân Đông Hiệp vào ngày 31/12/2017, khi họ đã khai thác hết độ sâu -120m. Cũng như Cty CP Trung Thành, nhiều tháng qua, các phương tiện máy móc như máy nghiền đá, xay đá và các xe tải chuyên chở đá của KSB vẫn làm việc hết công suất.

Chưa hết, bất chấp lệnh cấm tại cổng vào của khu vực mỏ đá, công ty KSB còn trưng bảng nội quy nổ mìn. Bảng nội quy này nêu rất rõ nội quy “nổ mìn khai thác đá trong khu vực mỏ”. Theo đó, KSB quy định: Thời gian nổ mìn từ 11h30 đến 13h vào các ngày 2 - 3 - 4 - 5 - 6 trong tuần. Và cuối bảng nội quy này, KSB còn ghi rõ: “Dĩ An ngày 1 tháng 1 năm 2018. Giám đốc đã ký”.

Bên ngoài mỏ đá, dân oán thán vì sống trong ô nhiễm nhiều năm qua, thì bên trong KSB và các công ty khai thác vẫn bất chấp lệnh cấm, vô tư nổ mìn khai thác. Bên trong khu vực mỏ đá, các đơn vị khai thác mặc sức sử dụng phương tiện hết thời hạn. Đặc biệt là KSB còn sử dụng nhiều xe tải, xe ben trong tình trạng đã rách nát, hoen gỉ, không biển số, không đăng kiểm, xem nơi đây như là “lãnh địa” riêng của các công ty này.

Ðã hết hạn khai thác

Ông Phạm Danh - Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Bình Dương khẳng định: “Hiện tại các công ty khai thác đá ở mỏ đá trên đã hết hạn cho phép và đang ngưng hoạt động”.  

Dù HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua quy hoạch nhưng để được phép khai thác trở lại, các công ty khai thác đá phải hội đủ các tiêu chí để trình Bộ Tài nguyên Môi trường. “Hiện nay, tất cả các công ty đã hết hạn khai thác đá trên mỏ Tân Đông Hiệp và đương nhiên không được phép khai thác vì Bộ TN&MT chưa cấp phép”, ông Danh nói thêm.

Đại diện Sở Công Thương Bình Dương cũng khẳng định, mỏ Tân Đông Hiệp đang trong tình trạng “đóng cửa”. Nếu KSB vẫn tiến hành khai thác và nổ mìn khai thác đá như bảng “Nội quy nổ mìn” của KSB là hành vi vi phạm nghiêm trọng.

Hương Chi

MỚI - NÓNG