Trong lĩnh vực thuế, để được công bằng thì ngành thuế cần phải quản lý thu nhập của tất cả công dân Việt Nam, chứ không riêng gì hàng rong, xe ôm. “Với người hành nghề xe ôm, bán hàng ở vỉa hè cần quản lý thuế nhưng làm từng bước, khi điều kiện về nhân lực và kỹ thuật trong tương lai tốt hơn. Còn hiện nay khi thất thu thuế đang lớn, việc thu thuế với các đối tượng được xem là “nhạy cảm”, có thu nhập thấp trong xã hội sẽ khó tạo được đồng thuận” - TS Bảo nêu quan điểm.
Cũng theo TS Bảo, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện nay số lượng cá nhân kinh doanh tự do như xe ôm, vỉa hè... rất lớn, lên đến 2,1 triệu hộ. Việc quản lý để nắm doanh thu của các đối tượng này là việc nên làm, nhưng sẽ tốn một nguồn nhân lực cũng như thời gian rất lớn.
“Ngành thuế luôn kêu thiếu nhân lực, vậy phải cân nhắc sao cho đạt được hiệu quả thu ngân sách cao nhất. Như vậy, phải quản lý các đối tượng chịu thuế sẵn có và khai thác tốt nguồn thu hơn là mở rộng đối tượng để rồi tốn nhiều công sức quản lý nhưng số thu chưa chắc cao. Trong khi nếu chống chuyển giá tốt với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài sẽ đem lại nguồn thu lớn hơn thay vì quản lý thêm 2 triệu đối tượng mới”, ông Bảo nói.
Theo quy định hiện hành, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Đối với cá nhân kinh doanh có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ nộp các loại thuế, phí như lệ phí môn bài, thuế GTGT... Dựa trên mức doanh thu mà các hộ, cá nhân khai hằng năm, chi cục thuế phối hợp với hội đồng tư vấn thuế xã, phường duyệt mức doanh thu khoán ổn định, sau đó công khai thực hiện.