Thực lực tên lửa Musudan sắp phóng của Triều Tiên

Tên lửa Musudan trong buổi diễu hành ở quảng trường Kim Nhật Thành
Tên lửa Musudan trong buổi diễu hành ở quảng trường Kim Nhật Thành
TPO- Theo tờ Csmonitors, dù việc phóng tên lửa sắp tới là hành động khiêu khích, đe dọa đến an ninh khu vực, nhưng nó lại là cơ hội để thế giới đánh giá thực lực tên lửa nước này đến đâu.

> Hàn Quốc: Triều Tiên ‘chủ mưu’ vụ tấn công mạng?
> Triều Tiên phóng tên lửa bất kỳ lúc nào

Nhiều thông tin cho rằng sắp tới Triều Tiên sẽ phóng thử loại tên lửa tầm trung mang tên Musudan, loại tên lửa đạn đạo tầm trung do Mỹ đặt tên theo một thị trấn gần nơi Triều Tiên thử tên lửa.

Nếu tên lửa này được phóng, những cuộc tranh luận của các chuyên gia trên thế giới về sự tồn tại hay thực lực của loại tên lửa đạn đạo tầm trung này có thể được giải đáp.

Hôm thứ tư, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung Se cho biết CHDCND Triều Tiên có thể phóng thử tên lửa bất cứ lúc nào và khả năng này là “khá cao”.

Theo hãng tin Csmonitor, vụ thử tên lửa rất có thể sẽ diễn ra xung quanh ngày thứ hai, ngày 15/4 bởi đây là ngày sinh nhật cố lãnh tụ Kim Nhật Thành và Bình Nhưỡng thường có những hành động quân sự xung quanh những ngày kỉ niệm này.

Hôm thứ ba, 9/4, Đô đốc Samuel Locklear, chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện: “Như đã được thông báo rộng rãi, tên lửa Musudan đang được di chuyển ở bờ biển phía đông (Triều Tiên)”.

Cấu tạo tên lửa Musudan
Cấu tạo tên lửa Musudan.

Tên lửa Musudan có khả năng mang đầu đạn hạt nhân nặng tới 1.2 tấn, có tầm bắn tối thiểu là 600km và tối đa là 5.000km, theo ông Locklear. Điều đó có nghĩa tên lửa này không thể bắn tới Hoa Kỳ hay Hawaii.

“Trong tầm bắn này, tôi chắc chắn rằng đảo Guam dễ bị đe dọa. Nhưng tôi nhắc lại một lần nữa rằng: Chúng tôi có khả năng theo dõi, bảo vệ đất nước, bảo vệ Guam và bảo vệ các lực lượng của chúng tôi cũng như các nước đồng minh”, ông Locklear nói thêm, đồng thời đề cập đến hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ trong khu vực.

Nếu Triều Tiên thử nghiệm tên lửa Musudan thật thì Mỹ và các nước đồng minh ít nhất sẽ gặt hái được những thông tin tình báo quý báu. Việc thử tên lửa có thể giải quyết những tranh cãi của các chuyên gia về sự tồn tại cũng như thực lực của tên lửa Musudan. Lý do bởi cho đến nay, Bình Nhưỡng chưa bao giờ thử nghiệm một tên lửa thật sự.

Theo Csmonitor, thiết kế tên lửa Musudan được dựa trên tên lửa phóng từ tàu ngầm SS-N-6 do Hải quân Liên bang Xô Viết cũ nghiên cứu chế tạo từ những năm 1960. Các báo cáo về loại tên lửa này lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí phương Tây vào giữa những năm 2000. Thế giới lần đầu tiên nhìn thấy tên lửa Musudan vào năm 2010, khi chúng tham gia trong cuộc diễu hành quân sự ở Bình Nhưỡng.

Thực lực tên lửa Musudan sắp phóng của Triều Tiên ảnh 2

Mỹ khá chắc chắn rằng Triều Tiên đã tiếp cận được công nghệ tên lửa SS-N-6 bởi các báo cáo cho thấy các thành viên phòng thiết kế, cơ quan sản xuất tên lửa của Liên Xô cũ đã từng tới Bình Nhưỡng, chuyên gia phát triển vũ khí và hạt nhân Jeffrey Lewis năm ngoái có viết trên trang Blog Arms Control Wonk của mình.

Một cố công nghệ được cho là đã được áp dụng trên những loại tên lửa tầm xa khác. Theo một số báo cáo, Triều Tiên bán cho Iran một số bộ phận lắp ráp tên lửa SS-N-6 vào năm 2005.

Ông Lewis, giám đốc chương trình Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Hạt nhân James Martin cho biết: “Tất cả những gì còn thiếu chỉ là một cuộc thử nghiệm tên lửa chính thức. Tất nhiên, có nhiều lời đồn đoán rằng Iran đã thử nghiệm các tên lửa của Triều Tiên”.

Một tên lửa Musudan dựa trên công nghệ SS-N-6 thể hiện tiến bộ kỹ thuật trong kho vũ khí Triều Tiên. Hầu hết các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và trung của Bình Nhưỡng đều dựa trên công nghệ tên lửa Scud của Liên Xô cũ. Tuy nhiên, loại SS-N-6 có động cơ tiên tiến hơn nhiều và sử dụng chất nổ đẩy mạnh hơn của tên lửa Scud. Khung của tên lửa này cũng mảnh mai hơn.

“Mặc dù được thiết kế từ 50 năm trước, nhưng công nghệ tên lửa SS-N-6 vẫn gần với những giới hạn công nghệ hiện đại và hiệu quả của nó thể hiện sức mạnh quốc gia”, chuyên gia công nghệ tên lửa của Đức, ông Markus Schiller viết trong bản báo cáo của RAND Corp. về mối đe dọa của tên lửa Triều Tiên.

Ông minh họa về tên lửa này như sau: Tên lửa Musudan có trọng lượng bằng tên lửa Nodong (dựa theo tên lửa Scud) nhưng có tầm bắn gấp đôi. Nếu hình tượng hóa thì Musudan giống như một chiếc xe Ferrari trong khi Nodong chỉ là một chiếc xe tải nhỏ cũ kỹ.

Ông Schiller cũng cho biết thêm rằng đầu đạn trên tên lửa Musudan xuất hiện trong các cuộc diễu binh giống y hệt với đầu đạn của SS-N-6.

Đầu đạn SS-N-6 của Liên Xô cũ là đầu đạn hạt nhân và được một tổ chức riêng thiết kế. Triều Tiên gần như chắc chắn rằng vẫn chưa thể sản xuất được. Điều đó có nghĩa là Bình Nhưỡng đang cố “lừa” Mỹ và các nước đồng minh rằng tên lửa Triều Tiên tân tiến hơn thực lực của mình.

“Giả thuyết rằng Triều Tiên vẫn chỉ hạn chế trong công nghệ tên lửa Scud là cao nhất và vẫn chưa thể làm chủ được công nghệ SS-N-6 có vẻ như thuyết phục hơn”, ông Schiller và đồng nghiệp Robert H. Schmucker, một chuyên gia công nghệ Đức viết trong một bài nghiên cứu về thiết kế tên lửa Triều Tiên.

Và do đó mặc dù là hành động khiêu khích nhưng cuộc thử nghiệm tên lửa Musudan của Triều Tiên có thể giải đáp cho những nghi vấn này.

Hữu Tuyên
Theo Csmonitor

Theo Dịch
MỚI - NÓNG