Thực hư phá di tích quốc gia Thị Cấm

0:00 / 0:00
0:00
Nền móng đình chính Thị Cấm đang trong quá trình tu bổ. Ảnh: Kỳ Sơn
Nền móng đình chính Thị Cấm đang trong quá trình tu bổ. Ảnh: Kỳ Sơn
TP - Vừa qua một số độc giả phản ánh, di tích quốc gia đình Thị Cấm gắn với di sản phi vật thể quốc gia hội Thổi cơm thi Thị Cấm bị trẻ hóa do “đập đi xây mới”.

Hạ giải, xây mới

Độc giả gửi thông tin phản ánh về báo Tiền Phong rằng, di tích quốc gia đình Thị Cấm (Xuân Phương, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị “đập đi xây mới”. Phương đình, đại bái, hậu cung nay được thay thế bằng nền móng của một công trình mới toe. Theo phân cấp quản lý, di tích quốc gia đình Thị Cấm do UBND phường Xuân Phương, UBND quận Nam Từ Liêm trực tiếp quản lý.

Đình Thị Cấm được xếp hạng di tích lịch sử- văn hóa quốc gia tại Quyết định số 168-VH/QĐ ngày 02/3/1990 của Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VHTTDL). Ngôi đình vốn là nơi sinh hoạt tâm linh của dân làng, nay nằm ngay mặt phố gần khu đô thị mới. Ai tới ngôi đình những ngày này sẽ thấy khung cảnh ngổn ngang vật liệu xây dựng. Công trình mới được dựng lên tại nền móng cũ của đình chính, nay đã xong phần móng bê tông kiên cố. Đình chính được hạ giải trước đó, vật liệu cũ chất thành nhiều đống trong khuôn viên.

Ông từ Bùi Đình Nghi giải thích, đình Thị Cấm được bê tông hóa từ năm 1997. Trước khi tu bổ, một số cấu kiện gỗ tại đình bị mối, mái ngói xô lệch. “Cấp trên yêu cầu khi tu bổ phải thay thế đình bê tông giả gỗ bằng chất liệu gỗ. Nói thật nhiều cụ cao niên vẫn tiếc đình bê tông giả gỗ như cũ hơn, bởi không lo mối mọt”, ông Nghi nói. Trông nom đình từ 7 năm nay, ông Nghi khẳng định không có chuyện địa phương tự ý phá đình đi để xây mới. Công trình tu bổ đình Thị Cấm do UBND phường Xuân Phương làm chủ đầu tư, trước khi hạ giải có trải qua các bước làm thủ tục hồ sơ như xin thỏa thuận của cơ quan quản lý, lấy ý kiến cộng đồng.

Khu vực bảo quản cấu kiện gỗ hạ giải đặt trong khuôn viên đình, được che chắn bằng bạt kín. “Chúng tôi tiến hành hạ giải và đánh giá sơ bộ các cấu kiện gỗ. Sau khi hạ giải, đơn vị thi công sắp xếp những cấu kiện này vào khu vực riêng, chờ chuyên gia của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về đánh giá. Nhiều hạng mục trong đình làm bằng bê tông, hậu cung và trung cung là gỗ có tường bao quanh, nhưng theo năm tháng các cấu kiện gỗ không còn là bao”, ông Ngô Văn Triết, đại diện đơn vị thi công cho biết. Theo bản vẽ thiết kế, các hạng mục chính của đình sẽ được tu bổ đúng với chất liệu truyền thống: toàn bộ khung, cột bằng gỗ và lợp mái ngói, tường gạch bao quanh.

Yêu cầu báo cáo

Ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng BQL Di tích danh thắng Hà Nội cho biết, cơ quan chức năng ghi nhận hiện trạng xuống cấp của đình Thị Cấm trước khi cho phép hạ giải. “Hạng mục đại bái, phương đình, trung cung, hậu cung đã xuống cấp nặng và có kết cấu khung bê tông, không phù hợp với kiến trúc ngôi đình Việt truyền thống. Ở trung cung và hậu cung, bộ khung kết cấu chính bằng gỗ táu bị mối xông gây võng mái, ngói xô, dột; khu vực sân đình thấp, trũng hơn đường giao thông. Do vậy, việc đầu tư tu bổ di tích đình Thị Cấm là rất cần thiết”, ông Nguyễn Doãn Văn nói.

Trả lại hình dáng

truyền thống cho Thị Cấm

Ông từ Bùi Đình Nghi khẳng định, đình Thị Cấm là niềm tự hào của người dân Nam Từ Liêm nói chung, Xuân Phương nói riêng. Hằng năm dân làng tổ chức lễ hội từ 12-22/2 âm lịch để tưởng nhớ công lao Thành hoàng. Hội thổi cơm thi Thị Cấm diễn ra mùng 8 tháng Giêng luôn thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Đại diện BQL Di tích-Danh thắng Hà Nội cho rằng, với những giá trị đặc biệt của di tích thì việc tu bổ, tôn tạo là cần thiết để bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của di tích; đồng thời đảm bảo sự bền vững của di tích phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân.

Dự án tu bổ, tôn tạo đình Thị Cấm gồm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu đã hoàn thành tôn tạo các hạng mục nhà khách, nhà bếp, nhà vệ sinh, kè ao, lan can ao đình; sân, bồn hoa, đường dạo; bể ngầm phòng cháy chữa cháy. Giai đoạn 2 gồm những công trình đang tu bổ hiện nay: tu bổ đình chính, theo đó dịch chuyển đại bái, phương đình, trung cung, hậu cung sang bên trái 1,3 m; xây mới am hóa vàng; hệ thống hạ tầng kỹ thuật (sân, vườn, điện, chiếu sáng); hệ thống phòng cháy chữa cháy; chống mối công trình.

“Quy trình thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đình Thị Cấm giai đoạn 2 đã được chủ đầu tư thực hiện theo đúng quy định pháp luật về Di sản văn hóa”, lãnh đạo BQL Di tích danh thắng Hà Nội cho biết. Hiện nay do diễn biến của dịch COVID-19, đơn vị thi công tạm hoãn gần như toàn bộ công trình tu bổ. Công trường tu bổ di tích được đơn vị thi công phối hợp với nhân dân địa phương bảo vệ đúng quy định.

Dự án tu bổ di tích quốc gia đình Thị Cấm được Bộ VHTTDL chấp thuận về chủ trương tại văn bản số 4439 năm 2018, thỏa thuận dự án tại văn bản số 2803 năm 2020. Cục Di sản Văn hóa thỏa thuận thiết kế bản vẽ thi công tại văn bản số 861 tháng 12/2020. “Dự án được UBND quận Nam Từ Liêm phê duyệt theo các quy định pháp luật”, ông Nguyễn Doãn Văn nói.

Thực hư phá di tích quốc gia Thị Cấm ảnh 1

Cấu kiện gỗ chờ được đánh giá. Ảnh: Kỳ Sơn

Đại diện Cục Di sản Văn hóa xác nhận, trong văn bản thỏa thuận ngoài các nội dung tu bổ, Cục lưu ý địa phương quản lý cần nghiên cứu bổ sung phương án chống rung tường hồi bên sườn phải của đình, bảo quản hiện vật, đồ thờ, nội thất công trình. Lãnh đạo Cục cho biết, Cục sớm có văn bản đề nghị địa phương báo cáo về quá trình triển khai công trình tu bổ tại di tích đình Thị Cấm cả về tiến độ thi công lẫn việc tuân thủ nội dung thỏa thuận.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.