Tiếp bài “Ðiện mặt trời liên tục vỡ quy hoạch”:

Thực hư đại gia Thái Lan mua lại dự án điện mặt trời ở Bình Phước

Dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1, 2, 3, 4 vẫn còn là bãi đất trống sát biên giới với Campuchia
Dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1, 2, 3, 4 vẫn còn là bãi đất trống sát biên giới với Campuchia
TP - Thông tin một đại gia trong ngành năng lượng của Thái Lan là Tập đoàn Super Energy Corporation (SEC) mua 4 dự án điện mặt trời tại tỉnh Bình Phước với tổng diện tích hàng trăm ha sát biên giới Việt Nam - Campuchia vẫn tiếp tục gây xôn xao dư luận cả nước.

Khu vực “nhạy cảm”

Cuối tuần qua, từ thị trấn Lộc Ninh (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), men theo con đường nhựa lồi lõm chỉ vừa đủ rộng cho chiều ô tô lưu thông, chúng tôi trực chỉ về hướng biên giới. Miền biên viễn vắng đến rợn người. Dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1, 2, 3, 4 vẫn còn là khu đất trống mênh mông với gần 10 chiếc xe cuốc đang hối hả san lấp hạ tầng.    

Vị trí thực hiện dự án nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia, trong phạm vi “vùng cấm”, chỉ cách Đồn biên phòng Lộc Tấn khoảng 3 cây số.  Dư luận trong nước xôn xao sau khi Tập đoàn Super Energy Corporation (SEC) của Thái Lan vào ngày 25/3/2020 vừa qua có văn bản gửi cổ đông và Sở giao dịch Chứng khoán Thái Lan.

Theo đó, Hội đồng Quản trị SEC cho biết sẽ chi không quá 456,7 triệu USD để đầu tư vào 4 dự án nhà máy điện mặt trời, gồm Lộc Ninh 1 (200 MW), Lộc Ninh 2 (200 MW), Lộc Ninh 3 (150 MW) và Lộc Ninh 4 (200 MW) tại tỉnh Bình Phước (Việt Nam). Khoản đầu tư vào Lộc Ninh 1 là 99,7 triệu USD; tại Lộc Ninh 2 là 140 triệu USD; tại Lộc Ninh 3 là 105 triệu USD và tại Lộc Ninh 4 là 112 triệu USD.

Cụ thể: SEC thông qua công ty con Super Solar (Thailand) Co.,Ltd mua 100% cổ phần trong SSEVN1 (vốn 63 tỷ đồng) với giá phí không vượt quá 17,8 triệu USD, qua đó nắm 70% cổ phần dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1, đồng thời rót tiếp 81,9 triệu USD vào dự án này. Tương tự, SEC mua 100% cổ phần SSELN2 (vốn 50 tỷ đồng) để sở hữu 100% vốn nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 2 với giá phí tối đa 23 triệu USD, đồng thời rót vào dự án này 117 triệu USD.

Thông báo của SEC còn cho biết sẽ mua 100% cổ phần SSEBP3 (vốn 50 tỷ đồng) để sở hữu 100% vốn nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 với giá phí không quá 17,25 triệu USD, và tiếp tục đầu tư thêm 87,75 triệu USD để phát triển dự án. Cuối cùng, bỏ tối đa 18 triệu USD mua 100% cổ phần trong pháp nhân New Hold Co 4 (vốn 50 tỷ đồng), qua đó sở hữu 80% dự án điện mặt trời Lộc Ninh 4 và tiếp tục đầu tư thêm 93,6 triệu USD.

Cả 4 dự án nêu trên đều được ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào tháng 3/2019. SEC đánh giá với nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng cùng với định hướng khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ Việt Nam thì các dự án điện mặt trời nói trên sẽ mang lại lợi ích lớn cho SEC.

Không có cơ sở

Chưa hết, mới đây, trên các diễn đàn mạng của Trung Quốc đăng tải thông tin, kèm hình ảnh về lễ ký kết hợp đồng giữa Tập đoàn kiến thiết điện lực Trung Quốc ký kết hợp đồng hạng mục Điện mặt trời 550 MW tại Lộc Ninh (Việt Nam) với SEC vào ngày 28/5 vừa qua. Theo đó, hợp đồng giữa SEC với phía Trung Quốc chia thành ba giai đoạn. Dự án yêu cầu thời gian vận hành thương mại không muộn hơn ngày 31/12/2020. Phạm vi của hợp đồng là hợp đồng chung cho thiết kế, mua sắm và xây dựng các dự án và các cơ sở hỗ trợ…

Trao đổi  với Tiền Phong mới đây, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước (KHĐT) cho biết sau khi có thông tin về việc này, các bộ phận chức năng của Sở đã tập hợp thông tin báo cáo ban giám đốc và lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh. Ngoài ra, Sở KHĐT đã yêu cầu Tập đoàn Hưng Hải báo cáo tổng quan về các dự án nhưng nhà đầu tư chưa thực hiện.

Đại diện Sở KHĐT tỉnh Bình Phước khẳng định đến thời điểm này, trong chủ trương đầu tư dự án Lộc Ninh 1, 2 vẫn chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào và Tập đoàn Hưng Hải vẫn chiếm cổ phần chi phối là 65% và 61% vốn.

“Nếu căn cứ vào Giấy đăng ký kinh doanh, các giấy tờ về chủ trương đầu tư và các văn bản pháp lý liên quan đến các dự án do tỉnh Bình Phước cấp thì đến nay chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia dự án. Tập đoàn SEC của Thái Lan có thể chỉ là đối tác, thực hiện hợp đồng tư vấn thiết kế, xây dựng, lắp đặt cho Tập đoàn Hưng Hải chứ không phải là nhà đầu tư của dự án. Ít nhất là về mặt giấy tờ đến thời điểm này là như vậy, còn cụ thể như thế nào phải chờ Tập đoàn Hưng Hải báo cáo”, đại diện Sở KHĐT cho hay.

Trước đó, trong một công văn gửi báo chí, Công ty Cổ phần (CP) Năng lượng Lộc Ninh khẳng định các công ty SSEVN1, SSELN2, SSEBP3 không liên quan đến các dự án Lộc Ninh 1,2,3,4.  Việc SEC mua cổ phần các công ty này không liên quan đến các dự án năng lượng mặt trời này. Việc SEC công bố thông tin mua cổ phần của các công ty SSEVN1, SSELN2, SSEBP3 để sở hữu 100% vốn của các nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 1,2,3,4 là không có cơ sở. Công ty CP Năng lượng Lộc Ninh đã có văn bản chính thức yêu cầu SEC điều chỉnh lại các thông tin đã công bố trên báo nước ngoài để đảm bảo chính xác và minh bạch.

Công văn này cho biết đối với các hoạt động của Tập đoàn Hưng Hải (cổ đông của Công ty CP Năng lượng Lộc Ninh), trong nhiều năm, Tập đoàn Hưng Hải luôn nỗ lực để thực hiện triển khai các dự án với tiến độ và chất lượng đảm bảo.

Theo UBND tỉnh Bình Phước, Tập đoàn Hưng Hải đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh. Nguồn vốn trên được chia làm 3 giai đoạn với tổng công suất thiết kế khoảng 800 MWp. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng công suất 200 MWp với vốn đầu tư 4.946 tỷ đồng. Hai giai đoạn tiếp theo có vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Chủ trương này đã được UBND tỉnh thông qua và được Bộ Công Thương, Chính phủ phê duyệt cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất 4.000 ha tại huyện Lộc Ninh để làm điện mặt trời.

MỚI - NÓNG