Thực hư chuyện cầu thủ Pháp dùng doping ở EURO

Thực hư chuyện cầu thủ Pháp dùng doping ở EURO
TPO - Hôm qua, tờ Bild (Đức) đã gây sốc khi tung ra những thông tin cáo buộc cầu thủ Pháp đã sử dụng doping.

Không khẳng định đội bóng của Didier Deschamps đã gian lận nhưng Bild tin là một trong số những cầu thủ Les Bleus có sử dụng chất kích thích tại Euro 2016.

"Bằng chứng" mà Bild đưa ra là những gì họ phát hiện trong phòng thay đồ của đội tuyển Pháp sau trận đấu bán kết giữa Les Bleus và Đức tại Velodrome, Marseille. Bên trong phòng thay đồ chính là một ống Guronsan đã được sử dụng hết.

Guronsan không phải là một chất cấm nằm trong danh mục của Uỷ ban chống doping thế giới (WADA), thế nhưng, “viên sủi này có chứa các thành phần tăng năng lượng và vitamin C hỗ trợ cơ thể chống lại sự mệt mỏi.”

Nói một cách đơn giản và ngắn gọn, Guronsan là một chất kích thích.

Để chứng minh cho giả thuyết của mình, tờ Bild cũng đã trao đổi với chuyên gia doping là giáo sư Fritz Sorgel về Guronsan. Theo ông Sorgel thì trong quy định của WADA, “bất cứ nỗ lực ngoài việc sử dụng sức mạnh cơ thể nhằm giành lợi thế đều được xem là doping. Guronsan, theo tôi, là doping. Thành tích thi đấu trong thể thao có thể được cải thiện cùng với caffeine. Điều này đã được chứng minh. Nó cũng làm tăng khả năng nhận thức, đồng nghĩa với sự thay đổi nhanh về nhận thức.”

Tuy nhiên, báo chí Pháp đều cho rằng, bằng chứng mà Bild đưa ra là thiếu thuyết phục vì nhiều lí do. Trước tiên, trận bán kết giữa Đức - Pháp diễn ra cách đây một tuần. Nếu ống Guronsan được cho là có trong phòng thay đồ của đội tuyển Pháp, tại sao Bild không công bố thông tin này ngay mà phải chờ đến sau khi Euro 2016 kết thúc.

Thứ hai, nếu Guronsan là chất kích thích, tại sao nó không nằm trong danh mục cấm của WADA. Điều này đồng nghĩa WADA chỉ coi Guronsan là một trong những loại thuốc bổ dưỡng cho cơ thể khi thành phần của nó có chứa vitamin C và caffeine giúp cơ thể phục hồi nhanh, tránh mệt mỏi.

Thứ ba, UEFA luôn có các đợt kiểm tra doping ngẫu nhiên với các đội tuyển tham dự Euro 2016. Không rõ đội tuyển Pháp đã có bao nhiêu cầu thủ bị lấy máu hay nước tiểu thử nhưng như trường hợp của Tây Ban Nha bị loại từ vòng 1/8, họ có đến 10 cầu thủ phải trải qua các xét nghiệm và đều có kết quả âm tính.

Quan trọng nhất, cho đến giờ, UEFA cũng chưa công bố bất cứ trường hợp sử dụng doping nào và đây là lí do để người Pháp tin rằng, thông tin mà tờ Bild đưa ra không gì khác là nhằm sỉ nhục đội bóng của Deschamps sau khi họ loại các nhà đương kim vô địch thế giới.

MỚI - NÓNG