Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới

0:00 / 0:00
0:00
Phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu là những mục tiêu quan trọng mà Việt Nam đã cam kết thực hiện. Tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn là những nội dung quan trọng và là cơ sở để thực hiện các mục tiêu đó. 

Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn sắp được Chính phủ thông qua, để góp phần nâng cao nhận thức, phổ biến chính sách cũng như nhận diện rõ hơn những thách thức sắp tới trong quá trình thực hiện kế hoạch này, Viện Kinh tế Việt Nam được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới”. Chương trình có sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới ảnh 1

Toàn cảnh diễn đàn

Để hiện thực hóa Kế hoạch hành động Quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, TS. Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, kinh tế tuần hoàn được quốc tế đồng thuận là giải pháp quan trọng để hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Việt Nam đã tích cực lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào các chiến lược, chương trình phát triển quốc gia. Tuy nhiên, phần lớn các mô hình hiện nay vẫn nhỏ lẻ. Đề án và Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn được xây dựng với mục tiêu kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm chất thải và tăng cường đổi mới sáng tạo. 38 nhiệm vụ cụ thể đã được phân công cho các bộ, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 và xa hơn.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu Tư) đề xuất tập trung vào các ngành như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng và vật liệu xây dựng. Các chính sách cần thử nghiệm bao gồm chính sách khu công nghiệp, tín dụng xanh, phân loại xanh, khoa học-công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, cùng với các chính sách đất đai phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới ảnh 2

TS. Trần Thị Hồng Minh trình bày tham luận với chủ đề “Đề xuất cơ chế thử nghiệm để thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn tài chính, tiền tệ quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nêu trong bài tham luận của mình: “Việc tăng trưởng xanh sẽ tăng hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn khi cứ 1 triệu USD đầu tư vào năng lượng tái tạo giúp tăng thêm ít nhất 5 việc làm (so với đầu tư năng lượng hóa thạch). Bên cạnh đó, tăng năng lực cạnh tranh, hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp.”

Diễn đàn là một sự kiện thường niên quan trọng, nhằm tập trung đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của việc thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg, ngày 07/6/2022 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, đồng thời cập nhập những diễn biến chính sách mới trên thế giới.

Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới ảnh 3

GS.TS. Mai Trọng Nhuận - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách, Uỷ ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu, Nguyên Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội phát biểu bế mạc diễn đàn

Phát biểu bế mạc diễn đàn, GS.TS. Mai Trọng Nhuận - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách, Uỷ ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu, Nguyên Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội đã tóm tắt các kết quả trình bày, thảo luận tại diễn đàn. GS.TS. Mai Trọng Nhuận cho biết, các ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, các nội dung được thảo luận tại diễn đàn sẽ được Ban tổ chức cụ thể hóa thành báo cáo chắt lọc, kiến nghị để gửi đến các cơ quan hữu quan.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.