Minh bạch thông tin
Ở các nước, khi có vấn đề gì đó gây tranh cãi, hoặc xảy ra những vụ việc ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của cử tri, một trong những kênh để nghị viện phản ứng nhanh là tổ chức các phiên điều trần tại ủy ban của nghị viện. Tuy nhiên ở nước ta vì sao hoạt động này còn hạn chế, thưa ông?
Muốn thường xuyên làm được như các nước thì việc đầu tiên phải có nguồn lực con người, thời gian. Ở nước ta, tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách còn thấp, đội ngũ tham mưu, giúp việc cho các ủy ban, cho các đại biểu còn thiếu. Bên cạnh đó cũng có một phần do thói quen phản ứng nhanh chưa có, hoặc chưa tạo ra thói quen đối với việc này. Trong khi đó ở các nước họ đã làm hàng trăm năm, nên tạo thành thói quen. Tôi cho rằng, qua thời gian, nếu chúng ta áp dụng nhiều hơn, thói quen ấy sẽ dần dần hình thành.
Thực tế, từ năm 2009, chúng ta cũng đã thí điểm tổ chức các phiên giải trình tại hội đồng dân tộc (HĐDT), các Ủy ban của Quốc hội và HĐND một số tỉnh/thành. Năm 2016, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND chính thức quy định về vấn đề này. Như vậy, theo quy định, trước những vấn đề nóng có thể tổ chức giải trình ngay, ví dụ như cháy nổ ở chung cư. Tùy từng cấp như Thường trực HĐND tiến hành, hoặc ủy ban của Quốc hội có thể tiến hành với tính chất toàn quốc, từ đó xem xét, đưa ra chính sách cho phù hợp.
Không chỉ yêu cầu đại diện cơ quan quản lý Nhà nước ra điều trần, vừa qua thượng viện Mỹ còn tiến hành điều trần đối với cả các chủ doanh nghiệp, trong đó có Facebook. Còn ở nước ta, đã có quy định nào cho phép tiến hành phiên giải trình đối với chủ doanh nghiệp chưa, thưa ông?
QH các nước có rất nhiều hình thức điều trần. Ví như ở Mỹ, các hình thức điều trần gồm: điều trần lập pháp, lĩnh vực này nhằm phục vụ xem xét thẩm tra dự án luật, hoặc một vấn đề như lương hưu, cũng có thể đưa ra điều trần. Thứ hai là điều trần giám sát, theo đó, QH, các ủy ban của QH có thể mời cơ quan Chính phủ, nhân dân, chuyên gia đến đối chiếu thông tin. Và điều trần thông tin chỉ để thuần túy thu thập thông tin; vừa rồi, với ông chủ facebook là điều trần dạng này. Với phiên giải trình này, về nguyên tắc họ có thể không đến, nhưng thông thường thì họ sẽ đến. Bởi tham dự phiên điều trần cũng chính là cơ hội để Facebook làm rõ các vấn đề trước QH, người sử dụng.
Tuy nhiên, ở Việt Nam chúng ta chưa có hình thức giải trình thông tin như thế. Nhiều người, trong đó có tôi từng đề xuất QH cần có các phiên giải trình trong lập pháp, như ở các nước. Tuy nhiên, vấn đề này chưa đưa vào trong luật mà mới chỉ quy định giải trình để phục vụ hoạt động giám sát.
“Ba mặt một lời”, làm rõ trách nhiệm
Trong xu hướng phát triển, hội nhập hiện nay, theo ông chúng ta có cần thiết bổ sung quy định về giải trình thông tin không?
Nên bổ sung quy định đó, không chỉ là giải trình để phục vụ giám sát mà giải trình trong quá trình lập pháp để thu thập thông tin. Thực tế hiện trong luật cũng có quy định mời doanh nghiệp, hay tổ chức, cá nhân có liên quan đến QH tham dự các cuộc họp dưới hình thức “lấy ý kiến nhân dân”. Dựa vào quy định này thì chúng ta có thể làm được ngay những vấn đề nóng? Ví dụ, như vấn đề cháy nổ, nếu chúng ta tổ chức các cuộc họp tham vấn ý kiến các bên về những vấn đề chính sách, pháp luật liên quan, thì ngoài các bộ, ngành, cơ quan có liên quan thì có thể mời chủ đầu tư các khu đô thị, rồi người dân sống ở đó.
Như thế có thể khẳng định rằng với những quy định hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều đó. Nhưng muốn làm nhiều hơn nữa phải sửa đổi rộng ra, ví dụ QH, HĐND hoạt động thường xuyên, đại biểu chuyên trách phải tăng lên. Nhưng ngay trong khuôn khổ hiện hành, vừa qua một số nơi cũng đã làm tốt vấn đề này. Ví dụ, HĐDT, các Ủy ban của QH từng tổ chức khá nhiều phiên giải trình. Hoặc Thường trực HĐND Hà Nội mới đây đã tiến hành giải trình có truyền hình trực tiếp để người dân theo dõi, về thái độ ứng xử của công chức, viên chức. Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đã làm hai phiên giải trình về tình trạng khai thác cát sỏi trên sông. Khi thường trực HĐND đi, thấy thực tế nhức nhối như thế mới tổ chức phiên giải trình, mời phía chính quyền, sở ngành, người dân đến. Họ chỉ làm 3 tiếng, nhưng khi giải trình “3 mặt một lời”, chính quyền phải thừa nhận trách nhiệm...
Ví dụ như vấn đề hoạt động của Uber, Grab, hiện cơ quan quản lý đang khá nhiều lúng túng trong quản lý, rồi vấn đề thất thu thuế , trong trường hợp này, QH có thể tổ chức các phiên giải trình về vấn đề này không?
Chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Khi tổ chức phiên giải trình chúng ta có thể mời các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Grab, các hãng taxi truyền thống, các chuyên gia kinh tế, giao thông, khách hàng đi xe Grab và khách taxi đến nói về những vấn đề có liên quan. Như thế thông tin được đưa ra theo kiểu “ba mặt một lời”, rất rõ ràng, minh bạch. Nếu giải trình vấn đề này sẽ là rất tốt, nó sẽ phục vụ hiệu quả cho việc xây dựng các chính sách, nhất là việc quản lý Grab, taxi.
3 giờ giải trình, giải quyết xong khiếu nại 3 năm
Theo ông, làm gì để có phiên giải trình, điều trần thực sự hiệu quả?
Nếu làm đúng cách thì các phiên giải trình sẽ giúp tháo được “van ngòi nổ”, hạ nhiệt điểm nóng. Những bức xúc của người dân vốn không biết giải tỏa ở đâu thì nay được giải tỏa tại Quốc hội, HĐND thì chắc chắn phần nào điểm nóng sẽ được hạ nhiệt. Tất nhiên khi tiến hành giải trình phải có quy tắc ứng xử, thái độ văn hóa ứng xử văn minh, trình bày lý lẽ thuyết phục chứ không phải đến đó để cãi nhau. Ngoài tháo ngòi nổ, có nhiều tác dụng khác, như tìm ra thông tin, đối chiếu thông tin, tìm giải pháp phù hợp.
Tôi nhớ, khoảng năm 2005-2006, Vĩnh Phúc thực hiện việc chia tách địa giới các huyện, thị, dẫn đến việc gần 300 hộ dân ở một xã vùng giáp ranh huyện Tam Đảo không thể làm được sổ đỏ. Tranh chấp, khiếu nại diễn ra suốt 3-4 năm trời nhưng không giải quyết được. Sau đó, năm 2009, Thường trực HĐND Vĩnh Phúc đã tổ chức một phiên giải trình về nội dung trên, trong đó mời tất cả các cơ quan, ban ngành có liên quan đến dự. Sau 3 tiếng giải trình thì toàn bộ những vấn đề khúc mắc, kéo dài trong 3 năm qua lập tức được giải quyết. Toàn bộ các hộ dân trong khu vực tranh chấp đã được giải quyết làm sổ đỏ sau vài tháng. Như vậy, một phiên giải trình chỉ 3 giờ đồng hồ nhưng đã giải quyết được một việc mà đã kéo dài 3 năm…
Thực tế nhiều hoạt động giải trình tại các cơ quan dân cử ở nước ta thời gian qua khá “nguội”, không kịp thời, không thu hút được sự quan tâm của người dân. Vậy cách nào để thay đổi thực trạng trên, thưa ông?
Muốn làm được như vậy thì các cơ quan của Quốc hội, HĐND phải tìm cách đẩy tốc độ lên. Ví dụ muốn tổ chức phiên giải trình về vấn đề phòng chống cháy nổ chung cư thì Ủy ban liên quan trình sớm kế hoạch cho Ủy ban thường vụ quốc hội (TVQH). Đồng thời có văn bản yêu cầu các bộ phối hợp, thực hiện, trong đó ấn định thời gian tổ chức nhất định vì đây là vấn đề nóng, dân đang quan tâm. Khi đi tập huấn ở các nước, tôi thấy, những phiên điều trần của họ làm rất nhanh. Ví dụ trường hợp dân địa phương, thổ dân một khu họ bức xúc với cảnh sát, chống đối cảnh sát,… Lập tức ủy ban liên quan tổ chức phiên điều trần chỉ sau 1 tuần khi xảy ra sự kiện.
Theo tôi, ngoài các phiên giải trình theo kế hoạch trước, HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực HĐND cũng lên kế hoạch dự trù 2-3 phiên giải trình một năm về những vấn đề nóng. Như thế thì khi xảy ra các vấn đề nóng như cháy nổ chung cư; hành hung bác sỹ; an toàn học đường… thì HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực HĐND có thể tiến hành phiên giải trình ngay. Giải trình không chỉ đáp ứng yêu cầu của người dân, nâng cao uy tín của Quốc hội, HĐND, mà thực tế nó còn giúp cho các bộ, ngành, cơ quan Chính phủ, UBND nhận rõ hơn thực trạng và có giải pháp khắc phục. Tổ chức các phiên giải trình cũng là cơ hội để các cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin, kiến giải thông tin một cách minh bạch, rõ ràng..
“Sau 3 tiếng giải trình thì toàn bộ những vấn đề khúc mắc, kéo dài trong 3 năm qua lập tức được giải quyết. Toàn bộ các hộ dân trong khu vực tranh chấp đã được giải quyết làm sổ đỏ sau vài tháng. Như vậy, một phiên giải trình chỉ 3 giờ đồng hồ nhưng đã giải quyết được một việc mà đã kéo dài 3 năm…”.Chuyên gia nghiên cứu Nguyễn Đức Lam