Thực hiện ca ghép gan người lớn đầu tiên

Thực hiện ca ghép gan người lớn đầu tiên
TP - 8 giờ 30 phút sáng qua 12-10, ca ghép gan cho bà C.T.K.Đ, 52 tuổi ở Đắk Nông đã được tiến hành với đội ngũ chuyên gia ghép gan đến từ Bệnh viện ASAN Medical Center của Hàn Quốc và các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM.

> Bốn người được ghép tạng từ một người chết não

Các bác sĩ đang thực hiện cắt gan từ người cho- ảnh chụp qua màn hình. Ảnh: L.N
Các bác sĩ đang thực hiện cắt gan từ người cho- ảnh chụp qua màn hình. Ảnh: L.N.

Đây là ca ghép gan người lớn đầu tiên được thực hiện ở khu vực phía Nam. Theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo - Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy, bà Đ. bị suy gan từ hơn 10 năm qua.

“Cách đây 13 năm bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt túi mật dẫn đến hẹp đường mật và giãn tĩnh mạch thực quản gây nguy cơ tử vong cao. Vì vậy việc ghép gan lần này là cơ hội quý báu với bà Đ”- bác sĩ Thảo cho biết.

Người cho gan trong lần ghép này là D.H.L, 22 tuổi, đang học năm thứ 4 của Trường đại học Ngoại ngữ- Tin học TPHCM và cũng là con trai ruột của bà Đ.

Ê kíp ghép gan gồm 37 người, trong đó 11 bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện Chợ Rẫy và 16 bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện ASAN Medical Center. Bắt đầu 6 giờ 30 phút sáng, cả hai mẹ con được đưa vào phòng mổ.

Sau thời gian gây mê, 8 giờ 30 phút các bác sĩ đã rạch được dao đầu tiên để cắt bỏ phần gan bị hư của bà Đ. Cùng lúc con của bà Đ. cũng được phẫu thuật lấy gan để ghép.

Sau gần 4 tiếng bóc tách, đến khoảng 13 giờ chiều qua, các chuyên gia đã bắt đầu phần ghép gan.

Theo PGS-TS Trần Minh Trường- Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, lúc đầu ê kíp dự kiến ca ghép kéo dài 12 tiếng nhưng trong lúc tiến hành ghép, các bác sĩ phát hiện bà Đ. có đến 3 lá lách nên các bác sĩ quyết định cắt bớt một lá lách.

Trong khi đó, đường mật cũng được nối trực tiếp vào đường mật ruột thay vì nối với nhau. Vì vậy đến 17 giờ các bác sĩ mới bắt đầu ghép phần gan người con hiến tặng vào cơ thể người mẹ. Bác sĩ Trường cho biết, khoảng 22 giờ tối 12-10 ca ghép mới kết thúc.

Thông tin ban đầu từ lãnh đạo BV Chợ Rẫy, chi phí cho ca ghép này dự kiến khoảng 1 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí này do Bộ Y tế và BV Chợ Rẫy hỗ trợ.

Bác sĩ Thảo cho biết, sau khi hoàn thành xong ca ghép gan đầu tiên từ người hiến tặng còn sống lần này, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tiến hành ghép gan với người cho bị chết não.

Đây sẽ là giải pháp hữu hiệu kéo dài sự sống cho những người bị xơ gan, suy gan và phục vụ điều trị cho những người mắc ung thư gan trong giai đoạn đầu.

Nếu như ca ghép gan lần đầu tiên ở phía Nam thành công, sẽ là ca ghép gan thứ 24 ở Việt Nam.

Trước đó BV Nhi trung ương và BV Nhi đồng 2 TPHCM đã thực hiện 17 ca ghép gan ở trẻ em và BV 103, BV Việt Đức cũng đã ghép gan thành công 6 ca ở người lớn.

Ghép thận thành công cho bệnh nhân lấy thận từ người không cùng huyết thống

Ngày 12-10, Bệnh viện 198 (Bộ Công an) đã ghép thận thành công cho ca bệnh lấy thận từ người không cùng huyết thống và lấy thận bằng phương pháp nội soi. Đây cũng là ca ghép thận thứ 10 được thực hiện tại bệnh viện này.

Người được ghép là Trung tá Nguyễn Quốc Hoàn (46 tuổi, công tác tại Văn phòng Công an TP Hà Nội). Người cho thận là anh Võ Văn Sơn (20 tuổi, chưa lập gia đình, ở huyện Cần Giờ, TPHCM).

Đại tá, PGS.TS Trần Minh Đạo, Giám đốc bệnh viện cho biết, do đây là lần đầu tiên bệnh viện thực hiện ghép thận từ người cho không cùng huyết thống nên tiên lượng ca ghép sẽ khó khăn hơn 9 ca cùng huyết thống trước đây.

Ca phẫu thuật ghép thận bắt đầu từ lúc 8h sáng 12-10. Sau hơn 5 tiếng đồng hồ, ca ghép đã thành công. TS. Đạo cho biết, đến 15h chiều cùng ngày, người cho thận đã tỉnh, chức năng thận mới đã hoạt động tốt. Thái Hà

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG