Quảng Nam:

Thực hành quan sát trẻ theo quá trình giúp hoạt động giảng dạy mầm non hiệu quả hơn

0:00 / 0:00
0:00
“Quan sát trẻ theo quá trình” là kỹ thuật giúp giáo viên mầm non hiểu được nhu cầu, sở thích và khả năng của trẻ trong hoạt động học tập và vui chơi, từ đó kịp thời điều chỉnh hoạt động học tập phù hợp với trẻ và cải thiện hiệu quả hoạt động giảng dạy.

Quảng Nam là một trong ba địa phương tại Việt Nam đồng hành cùng Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, vương quốc Bỉ (VVOB) trong dự án “Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống” (BAMI) hướng đến cải thiện chất lượng giáo dục mầm non thông qua việc phá bỏ các rào cản trong tiếp cận giáo dục như ngôn ngữ, môi trường, giới tính. Đồng hành cùng dự án, giáo viên tại các trường mầm non trên địa bàn 9 huyện miền núi của Quảng Nam được tập huấn nhiều nội dung và phương pháp giáo dục tiên tiến như phương pháp giáo dục lấy trẻ lầm trung tâm, phương pháp quan sát trẻ theo quá trình, học thông qua chơi, giáo dục có đáp ứng giới,… Các phương pháp này đã và đang góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy tại địa phương, đặc biệt là giúp các trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận giáo dục bình đẳng, có chất lượng, và không bị bỏ lại phía sau.

Thực hành “quan sát trẻ theo quá trình” để tìm hiểu sở thích của trẻ

Trường mẫu giáo Hoa Mai (huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) là một trong những nơi áp dụng phương pháp “quan sát trẻ theo quá trình” ngay từ những ngày đầu năm học mới và được đội ngũ giáo viên duy trì trong mọi hoạt động học tập và vui chơi của trẻ trong suốt cả năm. Cô Mai Anh, giáo viên trường mẫu giáo Hoa Mai, chia sẻ: “Trẻ lớp tôi rất đa dạng về mặt văn hoá vì có nhiều nhóm dân tộc khác nhau, vì vậy thực hành quan sát mức độ thoải mái và tham gia của trẻ trong các hoạt động hàng ngày giúp tôi rất nhiều trong việc thấu hiểu từng em, để biết các em thích gì, muốn gì, từ đó mới có thể giúp các em hòa nhập, vượt qua các rào cản khi đến lớp. Và như vậy thì mình đã giúp trẻ đến lớp thoải mái, vui vẻ hơn, tham gia tốt hơn và học tập hiệu quả hơn. ”

Thực hành quan sát trẻ theo quá trình giúp hoạt động giảng dạy mầm non hiệu quả hơn ảnh 1

Cô giáo Mai Anh sử dụng sơ đồ tư duy để tìm hiểu sở thích của trẻ

Trong suốt năm học, cô Mai Anh và đồng nghiệp đã tổ chức các buổi trò chuyện hàng tuần cùng trẻ với nhiều chủ đề đa dạng như sở thích của em, vật nuôi, nghề nghiệp, gia đình, … Các buổi trò chuyện được tổ chức trong không khí cởi mở và vui vẻ, hình thức tổ chức thân thuộc với trẻ như những buổi sinh hoạt trong gia đình, buôn làng. Các cô đưa ra các câu hỏi đơn giản và dẫn dắt, gợi mở để giúp trẻ chia sẻ về ước mơ, sở thích, khả năng của mình hoặc về một chủ đề bất kỳ. Quá trình diễn ra các hoạt động này là cơ hội để các giáo viên quan sát khả năng ngôn ngữ của trẻ, sự tự tin, sự thoải mái và mức độ tham gia của các em.

Thực hành quan sát trẻ theo quá trình giúp hoạt động giảng dạy mầm non hiệu quả hơn ảnh 2

Cô giáo Mai Anh trong hoạt động trò chuyện hàng tuần cùng trẻ

“Hiểu được sở thích của trẻ là một trong những yếu tố quan trọng giúp giáo viên có thể kết nối với trẻ. Đây cũng là nền tảng để giúp giáo viên có thể lựa chọn áp dụng cách tổ chức hoạt động cho phù hợp với trẻ, giáo viên cũng có thể tham khảo Khung 8 điểm hành động của Phương pháp quan sát trẻ theo quá trình vào trong lớp học. Chính vì lý do đó, nên tôi và các giáo viên đã áp dụng rất nhiều cách khác nhau để qua đó quan sát và tìm hiểu sở thích của trẻ như: thử nghiệm đồ dùng học tập mới, trò chơi mới, đổi mới các câu chuyện – bài hát, sử dụng sơ đồ tư duy để trò chuyện sâu với trẻ, thay đổi không gian học và chơi, …” – Cô Phương Thúy, Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Mai (Quảng Nam) chia sẻ.

Nhân rộng phương pháp “quan sát trẻ theo quá trình” trên cả nước

Sau 5 năm đồng hành cùng dự án BAMI (từ 2017 đến nay), “quan sát trẻ theo quá trình” trở thành một phương pháp mang lại nhiều kết quả tích cực cho cả giáo viên và học sinh tại các trường mầm non tại Quảng Nam. Thông qua hoạt động quan sát trẻ, giáo viên liên tục được thực hành và bồi đắp các kỹ năng, suy ngẫm và cải tiến các hoạt động giảng dạy để đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, nhờ quan sát trẻ mà giáo viên và trẻ trở nên gắn kết hơn. Trẻ được thấu hiểu và đáp ứng đúng sở thích, nhu cầu khi đến trường và trở nên chủ động hơn, tham gia tốt các hoạt động vui chơi, học tập hơn so với trước đây.

Trong hội thảo trực tuyến tổng kết 5 năm dự án BAMI, PGS.TS Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) đánh giá: “quan sát trẻ theo quá trình” là phương pháp khoa học tuyệt vời mà VVOB đã cống hiến cho ngành giáo dục Việt Nam. Trong giai đoạn mà ngành giáo dục mầm non Việt Nam có nhiều đổi mới, phương pháp này hứa hẹn sẽ góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của ngành trong tương lai, hướng tới xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm trên khắp cả nước.

Thực hành quan sát trẻ theo quá trình giúp hoạt động giảng dạy mầm non hiệu quả hơn ảnh 3

Trang bìa tài liệu “Thực hành Quan sát trẻ theo quá trình trong cơ sở giáo dục mầm non” VVOB và Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam biên soạn

Bên cạnh đó, bộ tài liệu “Thực hành Quan sát trẻ theo quá trình trong cơ sở giáo dục mầm non” do các chuyên gia VVOB và Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam biên soạn được kỳ vọng sẽ áp dụng tại tất cả các trường mầm non trên cả nước trong thời gian tới.

Đọc thêm về tài liệu “Thực hành Quan sát trẻ theo quá trình trong cơ sở giáo dục mầm non” tại: https://vietnam.vvob.org/vi/resources/

*Ảnh chỉ mang tính minh họa để đảm bảo tính bảo mật

*Tên nhân vật và tên trường trong bài đã được thay đổi để bảo đảm tính bảo mật

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.