Sáng nay (4/4/2025), tại tỉnh Thanh Hóa, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã phối hợp cùng UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội thảo “Chuyển đổi xanh: Động lực phát triển bền vững khu vực Bắc Trung Bộ”.
Tham dự hội thảo có ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam; ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng đông đảo các đại biểu đến từ Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, lãnh đạo các sở, ngành của 6 tỉnh/thành phố khu vực Bắc Trung Bộ, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và cộng đồng các doanh nghiệp có liên quan.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Chu Phạm Ngọc Hiển - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết, chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức to lớn từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.
Đối với khu vực Bắc Trung Bộ là vùng đất có vị trí địa lý chiến lược, giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển, nông nghiệp bền vững và năng lượng tái tạo. Việc chuyển đổi xanh sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng môi trường sống và đảm bảo phát triển bền vững.
![]() |
Các chuyên gia, cơ quan quản lý và đại diện doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi tại phiên thảo luận mở |
“Nhận thức rõ vai trò đó, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các cơ quan liên quan tổ chức hội thảo, qua đó nhằm đánh giá thực trạng chuyển đổi xanh tại khu vực Bắc Trung Bộ, những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn, thách thức mà các địa phương và doanh nghiệp đang gặp phải; thảo luận về chính sách, cơ chế hỗ trợ từ Trung ương và địa phương để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn; Lắng nghe kinh nghiệm thực tiễn từ các doanh nghiệp, mô hình tiên phong trong chuyển đổi xanh để từ đó nhân rộng và triển khai hiệu quả hơn” - ông Chu Phạm Ngọc Hiển chia sẻ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, lợi thế và tiềm năng, từ đó đưa ra nhiều giải pháp về chuyển đổi xanh trong thời gian tới.
Tham luận tại hội thảo, ThS. Lê Thị Minh Ánh - Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, chuyển đổi xanh là quá trình chuyển đổi toàn diện sang nền kinh tế xanh, phát thải thấp nhằm hướng tới mục tiêu thịnh vượng và bền vững.
Chiến lược tăng trưởng xanh có mục tiêu tổng quát là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và tập trung vào cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng giảm cường độ phát thải khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững, xây dựng lối sống xanh.
![]() |
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo |
“Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia xác định môi trường là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo công bằng và huy động nguồn lực xã hội trong bảo vệ môi trường” - ThS. Lê Thị Minh Ánh đánh giá.
Nói về việc chuyển đổi xanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết, chuyển đổi xanh là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, giúp tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động môi trường và nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tỉnh Thanh Hóa đang triển khai các giải pháp như mở rộng nông nghiệp hữu cơ, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước và phát triển mô hình nông nghiệp giảm phát thải. Đồng thời, địa phương cũng chú trọng đến cơ chế tín chỉ carbon trong nông nghiệp và xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn nhằm tái sử dụng phụ phẩm, giảm chất thải và bảo vệ môi trường.
Về giải pháp tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải trong công nghiệp và đô thị tại khu vực Bắc Trung Bộ, TS. Trịnh Xuân Đức - Viện trưởng Viện KHKT Hạ tầng và Môi trường (SIIEE) cho hay, chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu để hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Chuyển đổi xanh và tiết kiệm năng lượng là hai yếu tố không thể tách rời trong lộ trình phát triển bền vững. Những giải pháp đã trình bày – từ ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong công nghiệp, đến thay đổi hành vi cộng đồng – đều góp phần quan trọng vào việc tối ưu hóa tài nguyên và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Bên cạnh đó, việc giảm phát thải trong công nghiệp và đô thị khu vực Bắc Trung Bộ đòi hỏi sự phối hợp giữa cải tiến công nghệ, hoàn thiện chính sách và nâng cao ý thức doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ tài chính, giám sát môi trường chặt chẽ, cùng với cơ chế thị trường carbon sẽ tạo động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp chủ động cắt giảm phát thải, hướng đến một nền kinh tế xanh và tuần hoàn.
Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, cần sự chung tay của toàn xã hội – từ chính phủ, doanh nghiệp đến người dân. Việc đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp bảo vệ môi trường, tạo ra một tương lai bền vững cho các thế hệ sau.
Qua Hội thảo, nhiều định hướng, giải pháp, kinh nghiệm, kiến nghị về chuyển đổi xanh của khu vực Bắc Trung Bộ đã được đưa ra. Đồng thời cung cấp nhiều đề xuất, sáng kiến có giá trị thực tiễn cao, các giải pháp cụ thể để thực hiện đồng bộ và hiệu quả cho việc chuyển đổi và xây dựng bứt phá.