Đây là lần thứ 3 sự kiện được UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Hội Tin học TPHCM (HCA) tổ chức, nhằm nâng cao nhận thức, tạo cơ hội trao đổi, hợp tác giữa các cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, giải pháp CĐS, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo góp phần nâng cao hiệu quả công tác CĐS, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng ĐBSCL.
Hướng tới kinh tế xanh, bền vững
Trong chuỗi hoạt động, hội thảo “Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở hướng tới công nghệ xanh, kinh tế tuần hoàn” đã mang đến những nội dung như xây dựng môi trường thích hợp, tài chính và đầu tư cho khởi nghiệp công nghệ xanh và kinh tế tuần hoàn; ứng dụng đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế hiệu quả, xanh và bền vững tại vùng ĐBSCL…
Đại biểu tham quan tại khu trải nghiệm các gian hàng. |
Ông Phạm Trường Giang - Phó Giám đốc Sở KH&CN Hậu Giang cho biết, tỉnh đã và đang cổ vũ, triển khai thực hiện các mô hình, dự án phát triển kinh tế tuần hoàn ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội, môi trường và gắn liền với sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, các dự án, mô hình mới xuất hiện đơn lẻ, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, chế biến. Mức đầu tư, hỗ trợ để chuyển đổi mô hình còn thấp; người dân chưa am hiểu sâu về sự tuần hoàn trong quá trình triển khai nên hiệu quả mang lại chưa cao.
Theo ông Chu Thúc Đạt - Vụ trưởng Vụ Ứng dụng công nghệ và Tiến bộ kỹ thuật, Bộ KH&CN, các ý kiến trao đổi, đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý tại sự kiện sẽ được lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và các cơ quan tham mưu của tỉnh ghi nhận, tiếp thu để đưa vào xây dựng thành các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn tới…
Theo đại diện Bộ NN&PTNT, tại ĐBSCL, cây lúa chiếm 54% diện tích và 58% sản lượng của cả nước; lĩnh vực thủy sản chiếm 77% diện tích, 40% sản lượng và 60% xuất khẩu của cả nước. Chính phủ và các địa phương vùng ĐBSCL đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số và thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất để hướng đến nền kinh tế nông nghiệp xanh và bền vững.
Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ mặt hàng nông sản ở vùng ĐBSCL còn nhiều mặt hạn chế, thiếu tính bền vững và ảnh hưởng đến môi trường. Ông Phạm Văn Quân - Giám đốc Công ty CP Công nghệ Checkee đề xuất giải pháp như thực hiện truy xuất nguồn gốc và bán hàng đa kênh để tăng doanh thu, tăng liên kết trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp. Chú trọng ứng dụng các nền tảng công nghệ giúp doanh nghiệp kết nối trực tiếp với khách hàng, đơn vị phân phối, bán lẻ và đơn vị cung cấp đầu vào.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang – Đồng Văn Thanh phát biểu tại phiên toàn thể |
Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh - Phó Cục trưởng Cục CĐS quốc gia, Bộ TT&TT, cần có chính sách khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bao gồm miễn, giảm phí, lệ phí và tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính; xây dựng mạng luồng quan trắc chất lượng môi trường để phục vụ chỉ đạo, điều hành. Tăng tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh, đảm bảo 100% hộ gia đình kết nối internet băng rộng cáp quang. Ngoài ra, cần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương và kết nối các doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào quá trình CĐS ở các ngành, lĩnh vực.
Chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số
Đồng hành cùng địa phương trong 3 lần tổ chức sự kiện, ông Lâm Nguyễn Hải Long – Phó Chủ tịch HCA cho biết, nhận thức của cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân Hậu Giang về CĐS có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động CĐS trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động hơn thông qua tổ công nghệ số cộng đồng. Đặc biệt là một số giải pháp phục vụ CĐS trong lĩnh vực công, các nền tảng chính quyền điện tử phục vụ cán bộ, người dân và doanh nghiệp cơ bản được hình thành và dần đi vào hoạt động.
Khu công nghệ số tỉnh Hậu Giang cũng đã có nhiều doanh nghiệp triển khai hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và thu hút được nguồn nhân lực công nghệ số từ các địa phương khác về với Hậu Giang. Theo ông Hải, các đơn vị thuộc HCA sẵn sàng tiếp tục đồng hành cùng tỉnh, tổ chức các chuyến khảo sát để đề xuất, tư vấn các chương trình, dự án hỗ trợ CĐS chuyên biệt phù hợp với nhu cầu và thực trạng của từng huyện, xã cũng như bàn giao, hướng dẫn quy trình chuyển đổi cụ thể phù hợp cho từng tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, thực hiện Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy về xây dựng chính quyền điện tử và CĐS, đến nay Hậu Giang đã hoàn thành và đưa vào vận hành hiệu quả các nền tảng dùng chung thiết yếu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng di động Hậu Giang, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh… Qua đây, tạo môi trường giao tiếp khoa học và hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền.
Diễn giả chia sẻ tại sự kiện |
Tự tin là điểm đến của doanh nghiệp
Ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ: Việc thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và tăng mức độ hài lòng của người dân với chính quyền; đồng thời đã tăng đáng kể các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh và CĐS của tỉnh.
Sự kiện năm nay tiếp tục thể hiện khát vọng vươn lên của tỉnh, tự tin là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư; đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, với sự sẵn sàng về cơ chế, chính sách, đến môi trường đầu tư, cũng như nguồn lực tại chỗ; xác định công nghệ thông tin là bước đột phá, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ cho Hậu Giang, nhằm thực hiện mục tiêu đưa Hậu Giang trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của khu vực ĐBSCL.
Với mục tiêu hình thành trung tâm và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin…, Hậu Giang đã thành lập Khu công nghệ số với quy mô khoảng 28,5ha tại TP Vị Thanh. Tỉnh mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm vận dụng đưa ra các giải pháp phù hợp, tối ưu và ứng dụng hiệu quả CĐS cho cơ quan, địa phương trong thời gian tới.
Đồng thời, nghiên cứu các tiềm năng, định hướng phát triển của tỉnh để đầu tư mang lại hiệu quả thiết thực. Sự quyết tâm, sự đồng lòng của chính quyền từ trung ương đến địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, sẽ đẩy nhanh quá trình CĐS và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh Hậu Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung…