Chiều 1/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn để phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của đại biểu Quốc hội. Cảm ơn sự tín nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội dành cho Thủ tướng cũng như các thành viên Chính phủ, Thủ tướng khẳng định: “Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội, dù tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp đều có chung ý nghĩa thôi thúc Chính phủ trong việc thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ phát triển đất nước còn rất nhiều thách thức ở phía trước”.
Không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực
Nhấn mạnh “tương lai phụ thuộc vào quyết tâm và hành động của chúng ta ngày hôm nay”, Thủ tướng cho rằng, hơn lúc nào hết các cơ quan chức năng cần quyết liệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân… Đặc biệt cần đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án… “Chúng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc Con Cưng hay gần đây là vụ phạt tiền 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định... Nhân đây tôi đề nghị sửa lại nghị định 96/2014/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng”, Thủ tướng nói.
“Dân số Việt Nam dự báo sẽ đạt 96.963.958 người vào đầu năm 2019. Tôi nói con số lẻ thế có nghĩa gì? Là để chúng ta hiểu và đặt sự lưu tâm của chúng ta đến từng người dân, không để bất kỳ ai bị bỏ sót hay cảm thấy bị bỏ sót trong các chính sách phát triển. Trách nhiệm nặng nề nhưng vinh dự cũng lớn lao”.
Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc
Theo Thủ tướng, toàn bộ hệ thống chính trị cần chia sẻ trách nhiệm khơi thông mọi điều kiện, giải phóng nguồn lực và tiềm năng cho sự phát triển của các thành phần kinh tế, trong đó có vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân. “Làm được như vậy, chúng ta sẽ tạo ra được những không gian mới, động lực tăng trưởng mới trong các lĩnh vực quan trọng của thế kỷ 21 như nông nghiệp thông minh, công nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, các loại hình dịch vụ và công nghệ tài chính hiện đại”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Thủ tướng cho rằng, vấn đề xây dựng và hoàn thiện đồng bộ các yếu tố hạ tầng bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm cùng với các thể chế quản trị phù hợp có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển bền vững của chính tiến trình đô thị hóa cũng như mục tiêu tăng trưởng bao trùm của Việt Nam, không để ai bị bỏ lại phía sau “Nếu không làm tốt những điều nêu trên thì tiến trình đô thị hóa sẽ khó trở thành một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thậm chí còn để lại những hệ lụy lâu dài cũng như làm chậm bước tiến của chúng ta đi đến những mục tiêu trên con đường phát triển”, Thủ tướng nói.
Không cho phép hợp thức hóa cái sai
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) về kết quả bỏ hiếu tín nhiệm có sự khác nhau giữa các thành viên Chính phủ, Thủ tướng có biện pháp gì để hoạt động của các thành viên “đều tay” hơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, các thành viên Chính phủ phải thể hiện sự đoàn kết, làm tốt công tác nêu gương, nhất là kiểm tra các vụ việc, chấm dứt tình trạng trên nóng dưới lạnh. Trường hợp nào làm không được, vi phạm nặng thì thay đổi công tác cho phù hợp.
Liên quan kết luận thanh tra sai phạm về đất đai của Đà Nẵng, Thủ tướng cho biết, về cơ bản, Đà Nẵng đã thực hiện xong các nội dung thanh tra, chỉ còn hai nội dung vướng mắc là xử lý các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trái pháp luật đất đai; thứ hai là thu về ngân sách nhà nước 10% mà thành phố đã giảm sai quy định. “Cả hai nội dung này thành phố Đà Nẵng đều làm trái luật, việc này đã rõ ràng tất nhiên là từ nhiều năm trước, không phải các đồng chí đương chức hiện nay. Nguyên tắc là đã trái pháp luật thì phải khắc phục sửa sai, luật pháp không cho phép chúng ta hợp thức hóa cái sai. Không ai có quyền quyết định trái pháp luật, Không ai có quyền nói vì vướng rồi không thực thi pháp luật”, Thủ tướng nhấn mạnh.