Sáng 20/4, kết luận cuộc làm việc với Thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Nội phải khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển trong điều kiện khác nhau trong nền kinh tế đang có nhiều thay đổi.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý Hà Nội xử lý ngay những tồn tại kéo dài sau: Thứ nhất là, ở xã Đồng Tâm, cần củng cố hệ thống chính trị tốt hơn nữa, củng cố lòng dân, phát triển và xây dựng nông thôn mới.
Thứ hai là vấn đề dự án 8B Lê Trực, cần bảo đảm quy hoạch chi tiết khu vực này, an toàn công trình, bảo đảm quyền lợi đúng mức, đúng đắn cho nhà đầu tư, cần phải làm ngay phương án cụ thể vì công trình này kéo dài gần 10 năm mà chưa xử lý xong.
Đối với công trình đường sắt Cát Linh- Hà Đông, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm, có cơ chế tạm ứng, thanh toán, hoàn thiện dự án, sau đó khấu trừ. Bộ Giao thông vận tải bàn với đối tác xử lý dứt điểm trước tháng 6/2020.
Một tồn tại nữa cũng được Thủ tướng nêu ra và yêu cầu Hà Nội cần khẩn trưởng xử lý dứt điểm là vụ việc ở mương Phan Kế Bính.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý Hà Nội trong việc bảo đảm nước sạch cho người dân với giá phù hợp. Thủ tướng cho biết, đã yêu cầu Chủ tịch các tỉnh có văn bản giảm giá nước để hỗ trợ người dân, giống như ngành viễn thông đã hỗ trợ giảm giá với tổng số tiền 15.000 tỷ đồng, ngành điện là 12.000 tỷ đồng.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh Hà Nội cần thực hiện mục tiêu kép một cách quyết liệt, chủ động, sáng tạo, trong đó triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. “Hà Nội như một chiếc lò xo bật ra. Cho nên những phương án phát triển dịch vụ, đẩy mạnh tiêu dùng cá nhân, phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến, chế tạo… là những việc cần thiết”, Thủ tướng nói.
Cho rằng, tiến độ thi công một số công trình ở Hà Nội còn chậm, ảnh hưởng đến tỉ lệ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn, Thủ tướng lưu ý Hà Nội cần tìm nguồn lực xã hội, đây là vấn đề quan trọng nhất, cùng với việc phát triển hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường tiêu dùng của các hộ gia đình.