>> Phát hiện phẩy khuẩn tả trong ruột chó
Các bác sĩ Bệnh viện E,Hà Nội đang chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy cấp. Ảnh: Trọng Đức-TTXVN. |
Bệnh nhân tiêu chảy cấp tăng nhanh ở Hà Nội Tính đến ngày 14/5/2009, khoa truyền nhiễm ,Bệnh viện E (Hà Nội) tiếp nhận hơn 100 ca mắc bệnh tiêu chảy cấp, trong đó, nhiều ca có xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả. Hiện tại, toàn khoa chỉ có 30 giường bệnh nên luôn trong tình trạng quá tải. |
Dịch tiêu chảy cấp đang có xu hướng lan rộng và nguy cơ bùng phát rất lớn. Bên cạnh đó, dịch cúm A/H1N1 tiếp tục được phát hiện ở nhiều nước trên thế giới, đang diễn biến rất phức tạp và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, năm tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Nam Định có bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả.
Bước đầu, ngành chức năng kiểm tra, phát hiện phẩy khuẩn tả trên thịt chó sống tại một số điểm giết mổ chó và trên một số mẫu thực phẩm tươi sống khác.
Trước tình hình trên, ngày 14/5, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 732/CĐ-TTg, gửi Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu thực hiện các biện pháp cấp bách kịp thời phòng, chống dịch cúm A (H1N1) và dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ Thủ tưởng Chính phủ đã chỉ đạo tại Công điện khẩn số 639/CĐ-TTg (ngày 29/4/2009), về phòng chống dịch cúm A (H1N1);
Các đơn vị, địa phương không được chủ quan, lơ là; phải tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm, ngăn chặn và xử lý kịp thời; kiên quyết không để dịch xâm nhập, lây lan.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân về những biểu hiện bệnh, đường lây nhiễm, cách phòng tránh dịch cúm A (H1N1) và dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả, đồng thời vận động mọi người tích cực tham gia việc phòng, chống dịch cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thực hiện "ăn chín, uống sôi" để phòng tránh dịch tiêu chảy cấp và một số bệnh mùa hè khác.
6.465 người tại 35 quốc gia và vùng lãnh thổ nhiễm cúm A/H1N1 Danh sách các trường hợp nhiễm vi-rút cúm A/H1N1 trên toàn cầu tiếp tục kéo dài. Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố sáng 14/5, số trường hợp được xác định nhiễm cúm A/H1N1 đã lên 6.465 người tại 35 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số người tử vong do vi-rút này là 65, chủ yếu vẫn ở Mexico. |
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo hệ thống y tế, giám sát 24/24 giờ dịch cúm A (H1N1) và dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả.
Bộ Y tế hướng dẫn và trực tiếp tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc hệ thống y tế phát hiện bao vây, dập dịch tiêu chảy cấp trong thời gian sớm nhất, kiến quyết không để lây lan.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục duy trì các biện pháp giám sát chặt chẽ, nhất là tại các cửa khẩu quốc tế để phát hiện, cách ly và điều trị kịp thời những trường hợp nghi nhiễm cúm A (H1N1), không để lây lan;
Kiểm tra, rà soát, bảo đảm đủ cơ số trang thiết bị y tế, thuốc và hóa chất thiết yếu, phục vụ công tác phòng, chống dịch ở các tuyến và định kỳ tổng hợp diễn biến tình hình dịch bệnh, kịp thời báo cáo Thủ tưởng Chính phủ.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương huy động lực lượng chức năng của địa phương, tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các điểm ăn uống đông người, các cơ sở chế biến, cung cấp thức ăn tươi sống, điểm giết mổ và việc vận chuyển, tiêu thụ thịt chó, thịt gia súc, gia cầm.
Đồng thời, tăng cường giám sát chất lượng các nguồn nước ăn và nước sinh hoạt, nhất là nước giếng, ao hồ, kể cả môi trường xung quanh nguồn nước để ngăn ngừa, hạn chế sự lây nhiễm, phát tán bệnh, bảo đảm an toàn nguồn nước sinh hoạt của nhân dân;
Tổ chức tốt việc giám sát, phát hiện kịp thời ổ bệnh, người nhiễm bệnh, triển khai thực hiện các biện pháp chuyên môn để khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch, cách ly và điều trị kịp thời người nhiễm bệnh; kịp thời báo cáo đầy đủ tình hình diễn biến dịch tại đại phương về Bộ Y tế để tổng hợp, báo cáo Thủ tưởng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, cơ quan thông tấn báo chí tích cực, chủ động tham gia cùng chính quyền các cấp, thực hiện hiệu quả việc phòng, chống dịch tiêu chảy cấp và dịch cúm A (H1N1).
Bắc Ninh: Dịch tiêu chảy cấp diễn biến phức tạp Chỉ trong vòng ba ngày từ 11/5 đến 14/5, ngành y tế tỉnh Bắc Ninh phát hiện thêm 51 người mắc tiêu chảy cấp, nâng tổng số người mắc bệnh lên 62. Trong đó, 24 người có xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả ở 27 xã thuộc sáu huyện: Thuận Thành, Yên Phong, Tiên Du, Gia Bình, Lương Tài và Quế Võ. Cả năm ca bệnh mới xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả đều liên quan đến thức ăn như: rau sống, thịt chó, mắm tôm. Do thời tiết nắng nóng và ý thức giữ gìn vệ sinh và vệ sinh môi trường của người dân còn hạn chế nên hiện nay việc kiểm soát và ngăn chặn dịch gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình này, Sở Y tế Bắc Ninh phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương, triển khai công tác phòng, chống dịch như rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng cloramin B các nguồn nước sinh hoạt và nước thải tại các ổ dịch, phát thuốc ciprofloxacin, vận động người dân tham gia vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, làm sạch khu vệ sinh... Ở các ổ dịch lớn, ngành y tế cắt cử nhân viên xuống kiểm tra và duy trì phun thuốc khử trùng tiêu độc hai lần/tuần. Tuy nhiên, dịch tiêu chảy cấp vẫn có nguy cơ bùng phát và lan nhanh trên diện rộng, do nhiều địa phương từng là ổ dịch vẫn còn ủ mầm bệnh của những đợt dịch trước. Thu Phương |