Thủ tướng Sudan vừa bị ám sát hụt

Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok. (Ảnh: AP)
Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok. (Ảnh: AP)
TPO - Hôm nay, Thủ tướng Sudan sống sót sau vụ ám sát hụt khi một quả bom phát nổ ngay gần đoàn xe của ông khi đang đi ở thủ đô Khartoum, báo chí Sudan đưa tin.

Gia đình Thủ tướng Abdalla Hamdok xác nhận ông vẫn an toàn sau vụ nổ. Đài truyền hình nhà nước Sudan đưa tin ông Hamdok đang trên đường đến văn phòng thì vụ nổ xảy ra, nhưng ông đã được đưa đến nơi an toàn. 

Chưa có bên nào đứng ra nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công. Đoạn phim được đưa lên mạng cho thấy 2 chiếc SUV của Thủ tướng Sudan đứng trên một con phố với cửa sổ vỡ nát. Một chiếc xe khác cũng bị hư hỏng nghiêm trọng sau vụ nổ. 

Ông Hamdok được bầu làm thủ tướng từ tháng 8 năm ngoái, sau khi phong trào đòi dân chủ buộc quân đội phải loại bỏ Tổng thống President Omar al-Bashir vào tháng 4 năm ngoái để thay bằng chính phủ dân sự. 

Sau nhiều tháng đàm phán, quân đội và phong trào đòi dân chủ đạt được thoả thuận chia sẻ quyền lực. Thoả thuận lập ra một chính quyền dân sự - quân sự hỗn lợp, với hội đồng chủ quyền gồm 11 thành viên cùng lãnh đạo Sudan trong 3 năm. 

Các tướng quân đội vẫn cai trị trên thực tế và chưa có dấu hiệu sẵn sàng chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự. 

Cựu Tổng thống Al-Bashir lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính được lực lượng Hồi giáo hậu thuẫn năm 1989. Sau đó, ông áp dụng cách giải thích tôn giáo nghiêm khắc đối với người dân của mình, khiến quyền tự do cá nhân bị hạn chế. Nước này còn ủng hộ lực lượng Hồi giáo cực đoan. Ông Hamdok đã khẳng định chính phủ của ông sẽ hợp tác với Toà án hình sự quốc tế (ICC) để truy tố những đối tượng phạm tội ác chiến tranh và diệt chủng liên quan đến xung đột Darfur ở Sudan trong những năm 2000. 

Chính quyền quá độ thông báo hồi tháng 2 rằng sẽ đồng ý chuyển giao cựu tổng thống al-Bashir và các cựu quan chức khác cho ICC.

Chính quyền quá độ của Sudan cũng đang chịu áp lực phải kết thúc chiến tranh với các nhóm phiến quân để khôi phục nền kinh tế kiệt quệ của đất nước, thu hút viện trợ nước ngoài và trao quyền cho người dân như đã hứa. 

Gần 1 năm sau khi ông al-Bashir bị lật đổ, Sudan vẫn chìm trong khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Lạm phát vẫn ở mức 60% và tỷ lệ thất nghiệp lên đến 22,1% trong năm 2019. Chính phủ Sudan cho biết 30% người trẻ của nước này, chiếm hơn một nửa trong số 42 triệu dân, không có việc làm. 

Theo Theo AP
MỚI - NÓNG