Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thần tốc bảo đảm thuốc, vật tư y tế

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sáng 5/7, kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng, Bộ Y tế cần thần tốc hơn nữa trong việc triển khai các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về bảo đảm đủ thuốc, vật tư y tế, nhân lực cho phòng chống dịch và khám chữa bệnh cho người dân.

Không được quên kinh nghiệm xương máu

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thần tốc bảo đảm thuốc, vật tư y tế ảnh 1

Thủ tướng yêu cầu đảm bảo đủ thuốc và vật tư y tế Ảnh: PV

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết, trên thế giới, biến thể phụ BA.5 của Omicron được ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xuất hiện tại Việt Nam. Biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 (biến thể phụ phổ biến tại Việt Nam hiện nay). Do đó, thời gian tới, các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể được ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở nước ta. Bộ Y tế lưu ý các cơ quan, từ Trung ương đến địa phương, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu kinh nghiệm xương máu, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, chưa tiếp cận được vắc xin do khan hiếm, năng lực y tế hạn chế, Việt Nam buộc phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch. Điều này dẫn đến vừa lúng túng, bị động, vất vả, vừa nhiều mất mát, hy sinh, vừa ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế - xã hội. Thủ tướng khẳng định, vắc xin vẫn là vũ khí quyết định cùng với việc củng cố, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở. Các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện 3 trụ cột phòng chống dịch (xét nghiệm, cách ly, điều trị), phương châm 2K+vắc xin+thuốc+điều trị+công nghệ+ý thức người dân và các biện pháp khác. Đây là những bài học kinh nghiệm đã được tổng kết từ thực tiễn trong nước và thế giới.

Phát động chiến dịch tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4

Ngày 5/7, Bộ Y tế phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Lễ phát động chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương cùng hơn 200 công chức, viên chức, người lao động đã tiêm vắc xin mũi 3 và 4 tại buổi lễ. “Đã xuất hiện tâm lí chủ quan, lơ là ở một bộ phận người dân, đơn vị. Nhiều địa phương không đạt tiến độ tiêm mũi 3, mũi 4 như yêu cầu và có tình trạng do dự, né tránh việc tiêm vắc xin. Do đó, tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 ở người từ 18 tuổi trở lên mới đạt khoảng 67% và 31%”, bà Hương phát biểu. Bà khẳng định, việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) là cần thiết, nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, tránh nguy cơ bị bệnh nặng, tử vong.

Hà Minh

Gỡ vướng mua sắm vật tư y tế

Về việc bảo đảm đủ thuốc, vật tư y tế, nhân lực cho phòng chống dịch COVID-19 và khám chữa bệnh cho nhân dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế cần thần tốc hơn nữa triển khai các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ. Ngay trong ngày 5/7, phải hoàn thành hồ sơ lấy ý kiến các cơ quan liên quan và trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế. Các bộ liên quan đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực phối hợp, góp ý vào dự thảo nghị quyết. Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương Bộ Y tế ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng đã khẩn trương triển khai việc đấu thầu lượng thuốc trị giá 9.000 tỷ đồng. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần tiếp tục quyết liệt chỉ đạo việc đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế. Bộ Y tế và các cơ quan tiếp tục cải cách các quy định, đơn giản hóa thủ tục hành chính về cấp phép thuốc, công bố giá thuốc, đấu thầu… bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, khoa học, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế và các địa phương ưu tiên đầu tư cho y tế cơ sở, trong đó quan tâm đầu tư, nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên y tế trường học.

Bộ Y tế đánh giá miễn dịch cộng đồng với COVID-19 và các dịch bệnh khác trên phạm vi toàn quốc một cách khoa học, hiệu quả, chính xác để có giải pháp phù hợp. Song song với công tác phòng chống dịch COVID-19, cần coi trọng việc phòng chống các dịch bệnh khác; tiếp tục thống kê, đánh giá chính xác, đầy đủ về tình hình nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc, chuyển việc để tiếp tục triển khai các giải pháp kịp thời, phù hợp, hiệu quả…

MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.