Thủ tướng Phạm Minh Chính: Báo chí cần đi đầu trong những vấn đề lớn của đất nước

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, báo chí cần thể hiện tính cách mạng, đi đầu trong những vấn đề lớn của đất nước, là vũ khí tư tưởng sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lợi ích của quốc gia, dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển những giá trị cốt lõi của đất nước và nhân dân; cổ vũ mạnh mẽ tinh thần tự lực tự cường, đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

Phát huy sức mạnh về niềm tin, củng cố khối đại đoàn kết

Tối 21/6, tại Hà Nội diễn ra Lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI – năm 2021.

Phát biểu chỉ đạo tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, buổi lễ được tổ chức trong thời điểm “đã kiểm soát được dịch COVID-19 và cuộc sống đã dần trở lại bình thường, chứ không phải băn khoăn, lo lắng nhiều như cách đây một năm”. Thủ tướng nêu, trải qua 97 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự dìu dắt của Bác Hồ, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, báo chí cách mạng đã không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Báo chí cần đi đầu trong những vấn đề lớn của đất nước ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa trao Giải A cho đại diện nhóm tác giả báo Tiền Phong. (Ảnh: Như Ý)

“Hiện nay chúng ta có hơn 800 cơ quan báo chí và trên 22 nghìn hội viên Hội Nhà báo. Cuộc thi lần này đã thu hút hàng nghìn tác phẩm với nhiều thể loại đã thể hiện ý thức trách nhiệm rất cao với đất nước, là cầu nối thông tin rất quan trọng giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân”, Thủ tướng đánh giá, đồng thời cho rằng, các tác giả đạt giải được vinh danh tối 21/6 không chỉ là vinh dự lớn trong cuộc đời mỗi người làm báo mà còn là của cả cơ quan, đơn vị, địa phương, nơi công tác, gia đình, người thân mỗi nhà báo.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến đóng góp của báo chí với công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo Thủ tướng, báo chí đã phát huy sức mạnh to lớn về niềm tin, góp phần củng cố tinh thần đại đoàn kết, sự chung sức đồng lòng ủng hộ của người dân, doanh nghiệp với các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về chiến lược vắc xin.

Báo chí cũng đã lan toả lòng nhân ái, nỗ lực thực hiện an sinh xã hội, nghĩa cử của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời, báo chí chia sẻ với những vất vả khó khăn, động viên, tôn vinh, khích lệ các lực lượng tuyến đầu, nhất là các bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, quân đội, công an, và cả những cá nhân tự nguyện lên tuyến đầu chống dịch.

Thủ tướng đánh giá, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức và ảnh hưởng bởi đại dịch COVId-19, Việt Nam đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam cũng là một trong những nước được đánh giá là phục hồi vững chắc và dự báo tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2023. Đạt được những kết quả nêu trên là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế; và đặc biệt có sự đóng góp quan trọng của các cơ quan báo chí và những người làm báo nước nhà.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, giải thưởng báo chí được trao là dịp để tôn vinh những giá trị cao quý của người làm báo, đó là những ý tưởng tiên phong, sáng tạo, tinh thần dũng cảm, dấn thân, thậm chí đối mặt với hiểm nguy.

“Tôi hiểu rằng nghề báo là một trong những nghề vinh quang nhưng vất vả, một nghề có thể đúng với câu hát 'Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai'. Để có những bài báo hay, chân thực, sinh động, kịp thời về mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là các phóng sự điều tra thực trạng cuộc sống, nhiều phóng viên, nhà báo phải đối mặt với hiểm nguy, sự đe doạ, đi vào giữa tâm dịch, tâm bão, thiên tai, địch hoạ và có người đã không bao giờ trở về. Đối với các nhà báo nữ còn vất vả hơn bởi đôi khi còn phải làm việc ngoài giờ, đi công tác dài ngày trong khi vẫn phải lo toan công việc gia đình…”, Thủ tướng nói.

Báo chí tham gia tích cực hơn vào phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Đặt vấn đề trong thời gian tới, trước yêu cầu, nhiệm vụ phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đất nước đặt nhiều kỳ vọng vào các cơ quan báo chí, người làm báo trong việc chủ động, tích cực, trách nhiệm, xung kích, nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng, tạo động lực, quyết tâm tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Báo chí cần đi đầu trong những vấn đề lớn của đất nước ảnh 2

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải A. (Ảnh: Như Ý)

Thủ tướng gợi mở, việc đầu tiên, cần quán triệt mục tiêu xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại theo tinh thần ĐH Đảng lần thứ XIII; thể hiện tính cách mạng, đi đầu trong những vấn đề lớn của đất nước; là vũ khí tư tưởng sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lợi ích của quốc gia dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển những giá trị cốt lõi của đất nước và nhân dân; cổ vũ mạnh mẽ tinh thần tự lực tự cường, đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

Vấn đề thứ hai, theo Thủ tướng, báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, minh bạch, phản ánh và tìm ra những khó khăn, vướng mắc, giải pháp cho những vấn đề thực tiễn đặt ra. Phát hiện ra nhân tố mới, người tốt, việc tốt, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực để nhân dân có niềm tin vào chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Trước mắt cần tập trung tuyên truyền về 3 đột phá chiến lược, những chủ trương chính sách về phục hồi kinh tế, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, an ninh, an toàn và an dân, không để ai bỏ lại phía sau với mục tiêu cao nhất là vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Chủ động đấu tranh với những thông tin xuyên tạc, xấu độc, sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Đặc biệt, tôi đề nghị báo chí tích cực hơn nữa tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang được Đảng ta triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, Thủ tướng nói.

“Giải thưởng hôm nay tôn vinh những đóng góp trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả, bền bỉ của người làm báo, đã tích cực đưa những chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, nhất là việc tuyên truyền thúc đẩy thể chế hoá, cụ thể hoá Nghị quyết ĐH Đảng lần thứ XIII và nghị quyết ĐH Đảng các cấp. Nhiều tác phẩm năm nay đã góp phần chuyển tải chính sách lớn để tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh…Đặc biệt nhiều tác phẩm đã tích cực tham gia vào công cuộc phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí của Đảng, Nhà nước, phát hiện, phản ánh các sai phạm đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư công… quảng bá những mô hình kinh doanh, sản xuất sáng tạo; chuyển tải, tôn vinh, lan toả hình ảnh nghĩa cử cao đẹp, nghĩa cử nhân ái trong phòng, chống dịch và trong phục hồi phát triển kinh tế xã hội” – Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng, báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò làm chủ của nhân dân, là động lực khích lệ nhân dân, thu hút được sự tham gia tích cực của nhân dân, làm sao để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm. Để người dân thực sự là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển. Cùng với đó, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện, góp phần tổng kết thực tiễn và phát triển lý luận về báo chí cách mạng Việt Nam.

“Người làm báo phải không ngừng trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nêu cao trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhiệt huyết, nhân văn, thông tin nhanh, chính xác, khách quan, chân thực, kịp thời, có trách nhiệm và có văn hoá. Không để bị chi phối, suy thoái, những cám dỗ làm mất đi tính khách quan, trung thực của mỗi tác phẩm báo chí”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng lưu ý cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí, góp phần xây dựng phát triển chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số, đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ mới vào công nghệ báo chí và truyền thông, tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt định hướng của dư luận xã hội. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần tiếp tục tích cực thông tin chủ động, có trách nhiệm để các nhà báo, phóng viên thuận lợi trong tác nghiệp. Đồng thời các cơ quan chức năng bảo vệ những phóng viên, nhà báo trong thực thi nhiệm vụ nhưng kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

“Nghề báo là nghề rất đáng tự hào và trân trọng dù phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức, nhọc nhằn, gian khổ và cả cám dỗ. Nhiều nhà báo vẫn đang ngày đêm cống hiến hết mình trên mặt trận văn hoá tư tưởng để có những tác phẩm có ý nghĩa cho xã hội, cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân…”, Thủ tướng nói.

Theo Ban tổ chức Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI – năm 2021, đây là năm thứ 5 liên tiếp giải có sự góp mặt của đầy đủ 63 hội nhà báo tỉnh, thành phố. Giải năm nay cũng nhận được 1.911 tác phẩm, ở mức cao thứ hai trong các mùa giải báo chí; trong đó có 1.761 tác phẩm đủ điều kiện dự vòng sơ khảo. Có 152 tác phẩm vào chung khảo và Hội đồng giải đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn được 10 giải A, 22 giải B, 48 giải C, 35 giải Khuyến khích.

Trong 10 giải A giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI có loạt bài 5 k ỳ: “Xây dựng và chỉnh đốn Đảng - Gốc có vững cây mới bền” của báo Tiền Phong (đăng tải từ 26-30/10/2021) thuộc thể loại chuyên luận: Bài 1: “Thắp lửa”, “nhóm lò” - Việc cấp bách cần làm ngay”; Bài 2: “Tắm rửa thì phải gội đầu”, nhụt chí dẹp sang một bên”; Bài 3: “Mở rộng phạm vi, tấn công vào chủ nghĩa cá nhân”; Bài 4 (kỳ 4) là một chuyên đề gồm 3 bài: “Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm: Cảnh tỉnh răn đe để đảng viên không vi phạm”; “Đà Nẵng tìm lại chính mình từ công tác cán bộ”; và “Chuyện hôm nay: Trách nhiệm nêu gương”; Bài 5: “Quan chức ngã ngựa tâm phục khẩu phục”. Tuyến bài do các tác giả là nhóm PV Văn Kiên - Luân Dũng (Ban Thời sự - Chính trị), Nguyễn Thành (Ban đại diện Đà Nẵng) và Nguyễn Tuấn (Phó Tổng Thư ký tòa soạn) thực hiện.

MỚI - NÓNG