Diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai Con đường (BRI) lần thứ 2 có chủ đề “Hợp tác Vành đai và Con đường: Định hình tương lai chung tươi sáng hơn”.
Theo thông tin từ ban tổ chức, dự kiến có khoảng hơn 5.000 đại biểu tham dự các hoạt động của diễn đàn năm nay, trong đó có lãnh đạo của hơn 90 tổ chức quốc tế và quan khách từ hơn 190 nước đăng ký. Ngoài Chủ tịch Trung Quốc, diễn đàn có sự tham dự của Nguyên thủ/Người đứng đầu chính phủ của 36 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tham dự diễn đàn có có Tổng thư ký Liên Hợp quốc và Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế; các đặc phái viên thử Thủ tướng Đức, Thủ tướng Anh, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Tây Ban Nha, Thủ tướng Nhật Bản; Phó Thủ tướng Hàn Quốc và Phó Chủ tịch EU. Dự kiến hội nghị bàn tròn thượng đỉnh các nhà lãnhđạo do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì sẽ có sự tham gia của Nguyên thủ/Người đứng đầu chính phủ 37 quốc gia.
Theo Bộ Ngoại giao, Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế khu vực, trong đó có BRI. Việc triển khai các sáng kiến trong BRI phải đảm bảo nguyên tắc hợp tác hòa bình, bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc, hướng đến mục tiêu đóng góp cho sự phát triển và thịnh vượng chung của tất cả các quốc gia.
Tháng 5/2017, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự diễn đàn BRI lần thứ nhất và có bài phát biểu quan trọng, thể hiện quan điểm của Việt Nam về các nguyên tắc mà hợp tác cần bảo đảm để đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Tháng 11/2017, nhân chuyên thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã ký biên bản ghi nhớ cấp chính phủ về thúc đẩy kết nối khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” của Việt Nam với BRI. Hai bên đang trong quá trình thảo luận để xây dựng kế hoạch chung về thực hiện bản ghi nhớ này.
Được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu lần đầu tiên vào năm 2013, BRI trải dài từ châu Á sang châu Âu và có thể mở rộng ra châu Phi, châu Mỹ Latin. Hai cấu phần chính là Vành đai kinh tế con đường tơ lụa (trên bộ) và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21.
Trung Quốc đề xuất 5 mảng hợp tác chính trong khuôn khổ sáng kiến gồm: kết nối chính sách; kết nối cơ sở hạ tầng; kết nối thương mại và đầu tư; kết nối tài chính – tiền tệ; và kết nối con người.