Thủ tướng: Làm sao tránh được bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp?

Thủ tướng: Làm sao tránh được bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp?
Đó là một trong số những vấn đề trọng tâm mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra khi phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngành Kế hoạch và Đầu tư, ngày 31/12. Báo Tiền Phong xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng tại lễ kỷ niệm này.

Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước,

Thưa các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương,

Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học và người lao động ngành Kế hoạch và Đầu tư qua các thời kỳ,

Thưa các vị khách quốc tế, quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí,

Cách đây đúng 75 năm, ngày 31 tháng 12 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 78-SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết, tiền thân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - một ngành có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. Hôm nay, trong không khí hân hoan chuẩn bị chào đón Năm mới 2021 và thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tôi rất vui mừng đến dự Lễ Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Kế hoạch và Đầu tư (31/12/1945-31/12/2020).

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin gửi tới các đồng chí, quý vị đại biểu cùng toàn thể đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, người lao động ngành Kế hoạch và Đầu tư qua các thời kỳ lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu, 

Qua quá trình 75 năm xây dựng và phát triển với nhiều lần đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động và tên gọi, như Ủy ban Kế hoạch Quốc gia, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban về Hợp tác và Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hệ thống cơ quan Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê từ trung ương đến địa phương được hình thành, phát triển và ngày càng được củng cố, tăng cường trên cả nước. Tôi đánh giá cao sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư qua các thời kỳ và các đồng chí lãnh đạo các địa phương tại buổi Lễ trọng thể hôm nay, thể hiện truyền thống kế thừa, đoàn kết, gắn bó giữa các thế hệ và sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí đến sự phát triển vững mạnh của ngành Kế hoạch và Đầu tư và của đất nước.

Tại buổi Lễ long trọng này, chúng ta thành kính tưởng nhớ và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người sáng lập và đứng đầu Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết. Người căn dặn: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".

Thực hiện lời căn dặn đó, suốt 75 năm qua, các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động ngành Kế hoạch và Đầu tư luôn thể hiện tinh thần tận tụy, trung thành, bản lĩnh vững vàng; là người lính xung kích trong đổi mới tư duy kinh tế, những người có tư duy nhạy bén, sắc sảo, nắm bắt nhanh các vấn đề mới; tiên phong trong đổi mới sáng tạo; là tổng tham mưu trưởng trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước..., hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó. Như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu cách đây 8 năm khi về thăm và làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư: "Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tổng tham mưu có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng".

Năm 2020, dù trải qua muôn vàn khó khăn, nhưng đất nước ta vẫn đạt được những thành tích và dấu ấn đặc biệt. Đại dịch Covid-19 và bão lũ, sạt lở đất nghiêm trọng ở miền Trung cùng những thiên tai, dịch bệnh và những khó khăn, thử thách khác đã tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội đất nước và đời sống nhân dân. Đứng trước khó khăn này, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không hề nhụt chí, lùi bước, mà càng đoàn kết hơn, quyết tâm hơn, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để có được thành quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực như ngày hôm nay. Thành quả đó được tô đậm thêm bởi tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam, là minh chứng sống động từ thực tiễn, khẳng định không khó khăn nào dân tộc ta không thể vượt qua, không thử thách nào nhân dân ta không dám đương đầu.

Sau 35 năm tiến hành công cuộc "Đổi mới", đất nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, và như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Quy mô nền kinh tế hiện nay so với năm 1990 đã tăng lên hơn 40 lần, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần.

Để đạt được những thành tựu quan trọng này, trước tiên chúng ta phải khẳng định đường lối của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ vô cùng đúng đắn, chính xác, kịp thời, toàn diện, đồng bộ, từng bước đi vững chắc nhưng cũng rất linh hoạt, phù hợp với diễn biến của tình hình thế giới và trong nước. Trong những quyết sách cũng như thành tựu chung đó, có sự đóng góp lớn với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.

Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu, 

Những năm qua, ngành Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê, trong đó có các mảng quan trọng, then chốt của nền kinh tế, phục vụ Đảng, Quốc hội và Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tôi khái quát 06 thành tích nổi bật của ngành Kế hoạch và Đầu tư như sau:

Thứ nhất, được tin tưởng giao trọng trách chủ trì xây dựng các Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội qua các thời kỳ (hoàn thành xây dựng 03 Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm: 1991-2000, 2001-2010, 2011-2020 và đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xây dựng 10 Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và đang xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 11, giai đoạn 2021-2025; đồng thời, tham mưu xây dựng báo cáo về kinh tế - xã hội trình Quốc hội và các Đại hội Đảng). Những chiến lược 10 năm là kim chỉ nam, định hướng phát triển, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong phát triển đất nước từng chặng đường 10 năm trong thời kỳ Đổi mới. Mỗi kế hoạch 5 năm là bản lộ trình rõ ràng trong thời kỳ trung hạn, tạo ra bước tiến mới trong phát triển đất nước trong suốt thời kỳ Đổi mới.

Thứ hai, luôn nghiêm túc, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với tư duy đổi mới, đột phá trong cải cách thể chế kinh tế phù hợp với các giai đoạn phát triển của đất nước. Từ thực hiện Khoán 100, Khoán 10 đến Nghị quyết 16 về đổi mới cơ chế sản xuất của các cơ sở sản xuất ngoài quốc doanh đến việc xây dựng hàng loạt văn bản luật quan trọng (như Luật Công ty, Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hợp tác xã, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Quy hoạch…). Đây là những văn bản luật có ý nghĩa quan trọng đối với cải cách thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, góp phần khơi thông, huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội và tạo động lực rất lớn cho công cuộc phát triển của đất nước; làm thay đổi căn bản trong tư duy quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư, thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế - xã hội theo tư duy thị trường hiện đại và hội nhập.

Thứ ba, luôn là cơ quan được giao nhiều Đề án quan trọng nghiên cứu các mô hình, định hướng phát triển của đất nước, bảo đảm chất lượng, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao (như các đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; chiến lược biển Việt Nam; chiến lược phát triển nguồn nhân lực; chiến lược tăng trưởng xanh; phát triển bền vững; đầu tư nước ngoài; sắp xếp lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước…). Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng là một trong số các bộ, ngành luôn có số lượng đề án, báo cáo lớn nhất. Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn đi đầu trong nghiên cứu, triển khai các mô hình kinh tế mới, đột phá như: Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đề án Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế...

Thứ tư, các đồng chí đã chủ động nghiên cứu, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá, cải cách trong quản lý nhà nước về đầu tư, đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư toàn xã hội; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi; phát triển doanh nghiệp; đổi mới, tăng cường phân cấp quản lý kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần khơi thông các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.

Thứ năm, đổi mới và đi tiên phong cả về tư duy và hành động, hành động trách nhiệm và hiệu quả để tham mưu, đề xuất những chính sách, giải pháp điều hành kinh tế - xã hội kịp thời cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tôi xin nêu ví dụ về việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo, tham mưu, đề xuất với Đảng, Quốc hội và Chính phủ chính xác, kịp thời, đồng bộ các giải pháp để giúp đất nước vượt qua khó khăn. Chẳng hạn như trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngay từ sớm và xuyên suốt cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã luôn chủ động theo dõi, cập nhật sát tình hình dịch bệnh, đưa ra những đánh giá, dự báo về ảnh hưởng của đại dịch để kịp thời tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo, ban hành những định hướng, giải pháp chính xác, kịp thời nhằm hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của nhân dân. Các đồng chí đã chủ động xây dựng và trình cấp có thẩm quyền nhiều văn bản mang tính căn cơ, như Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đề án "Chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế đất nước" trình Bộ Chính trị; chủ trì xây dựng Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội triển khai Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế...

Những kết quả đáng ghi nhận nêu trên đến từ tư duy của các đồng chí là cải cách phát triển và không ngừng đổi mới, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngại khó, không ngại khổ, phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà Nước và Nhân dân giao phó. Các đồng chí đã làm rất tốt, đúng với sứ mệnh, tầm nhìn của ngành Kế hoạch và Đầu tư nói chung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng.

Thứ sáu, Ngành Thống kê đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê, thể hiện rõ "con số biết nói" thông qua phân tích, giải thích, trình bày và tổ chức dữ liệu thống kê để phục vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong công tác chỉ đạo, điều hành. Thực hiện thành công nhiều cuộc điều tra thống kê quy mô lớn, tạo nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng cho việc xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

Thay mặt Chính phủ, tôi ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương những thành tích, nỗ lực cố gắng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và toàn thể ngành Kế hoạch và Đầu tư. Sự cố gắng nỗ lực của các đồng chí đã đóng góp rất lớn vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển KTXH chung của đất nước trong 75 năm thành lập và phát triển. Với những thành tựu to lớn đạt được, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác qua các năm, xứng đáng với vai trò thuyền trưởng dẫn dắt con tàu kinh tế ra khơi thuận lợi và thành công. Nhân dịp Lễ kỷ niệm 75 năm ngành Kế hoạch và Đầu tư, tôi xin chúc mừng Bộ Kế hoạch và Đầu tư được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất và chúc mừng nhiều đồng chí cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Đảng, Nhà nước cử giữ những chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng cần thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, bất cập của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như ngành Kế hoạch và Đầu tư. Trong đó, một số công việc vẫn chưa tập trung giải quyết, quyết liệt xử lý trong công tác xây dựng, triển khai và giám sát thực hiện chính sách. Một số giải pháp đưa ra  chưa bảo đảm tính khả thi hoặc chưa kịp thời trước những biến động nhanh, phức tạp của tình hình quốc tế, trong nước. Vẫn còn tình trạng một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định pháp luật và bảo đảm hiệu quả trong công tác quản lý đầu tư công…

Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu, 

Sau 35 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 2016-2020, nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng cũng còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nội tại, như: vẫn là nước thuộc nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, thua xa mức trung bình của thế giới; yếu tố nền tảng cho tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững đã cơ bản được hình thành nhưng chưa vững chắc; tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra chậm, thiếu vắng các ngành công nghiệp cơ bản, chưa làm chủ được một số công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi, công nghệ nguồn... Năng lực cạnh tranh về cơ bản vẫn ở mức trung bình trên thế giới, nhất là những tiêu chí quan trọng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Trong khi đó, trước bối cảnh thế giới và khu vực dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Đại dịch Covid-19 còn đang diễn biến rất phức tạp, cản trở quá trình phục hồi của kinh tế thế giới. Nhiều quốc gia đang có mức thâm hụt ngân sách và nợ công cao, làm gia tăng rủi ro về khủng hoảng tài chính và nợ công trong tương lai. Căng thẳng về chính trị, thương mại giữa các quốc gia lớn ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu với các hình thái thời tiết cực đoan có thể tiếp tục tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Tôi xin khái quát hóa 9 thách thức chủ yếu của chúng ta trong thời gian tới như sau:

(1) Bối cảnh thế giới tiếp tục tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, nhất là tác động của đại dịch Covid-19 và những căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia, đối tác.

(2) Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra cơ hội lớn cho các nước đang phát triển có thể đuổi kịp các nước giàu nhưng cũng đi kèm nhiều thách thức có thể bị bỏ lại phía sau hoặc lệ thuộc nhiều hơn và các nước giàu.

(3) Thế và lực của nước ta mặc dù đã lớn mạnh hơn trước rất nhiều, nhưng nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, còn nhiều vướng mắc, nút thắt phát triển vẫn chưa được thực sự giải quyết, khơi thông.

(4) Nguy cơ tụt hậu, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu, nhất là một số nhóm yếu tố về năng lực sản suất và nhóm những người yếu thế còn dễ bị tổn thương trước những biến động kinh tế thế giới, trong nước.

(5) Cạnh tranh giữa các đô thị trong khu vực, kể cả ở trong nước, ngày càng lớn, nhất là trong việc trở thành các trung tâm giao dịch, trung tâm tài chính, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

(6) Nhiều vấn đề văn hóa, xã hội, an ninh, nhất là an ninh phi truyền thống, an ninh mạng nổi lên, có thể dẫn đến những khó khăn, thách thức lớn hơn dự báo.

(7) Chênh lệch giàu nghèo có xu hướng tăng lên, cả theo vùng miền và giữa các nhóm dân cư, cùng với sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu và giới siêu giàu.

(8) Vấn đề nhân khẩu học, già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng, tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội.

(9) Những thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường và tài nguyên ngày càng tăng lên, nhất là trong bối cảnh Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Thưa quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí,

 Dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định mục tiêu đến năm 2025 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung thấp; đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và tầm nhìn đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Ngành Kế hoạch và Đầu tư vinh dự là một trong số ít ngành có bề dày lịch sử gắn liền với lịch sử ra đời của nước Việt Nam mới sau Cách mạng tháng Tám. Năm 2045 cũng là thời điểm kỷ niệm 100 năm ngành Kế hoạch và Đầu tư. Câu hỏi đặt ra là, tầm nhìn của ngành Kế hoạch và Đầu tư sẽ thế nào vào năm 2045? Vai trò và chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ như thế nào trong những thập niên tới?

Hơn ai hết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải có tầm nhìn xa hơn các bộ ngành khác, phải là Bộ đi đầu trong đổi mới tư duy và lan tỏa tư duy đổi mới sang các bộ ngành khác và các địa phương trong cả nước.   

Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu định hướng chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030; trong đó nêu rõ định hướng: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường…; tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Bộ, cơ quan nào sẽ tiên phong tham mưu cho Đảng và Chính phủ trong việc cụ thể hóa và thực hiện thành công định hướng này nếu không phải là Bộ Kế hoạch và Đầu tư? Đó chắc chắn là Bộ Kế hoạch và Đầu tư!

Với tư cách là Bộ Tổng tham mưu, tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hiến kế để đạt được sự bứt phá trong các mục tiêu KTXH năm 2021 cũng như những giai đoạn tiếp theo gắn với những mục tiêu và tầm nhìn đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đồng thời, tôi cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng và thiết thực của Sở Kế hoạch và Đầu tư ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước.

Theo đó, một số vấn đề trọng tâm mà ngành Kế hoạch và Đầu tư cần đặc biệt chú trọng trong thời gian tới bao gồm:

Thứ nhất: Chúng ta từng nói “Thể chế - Thể chế - Thể chế”, nhấn mạnh thể chế là yếu tố quyết định cho sự tăng trưởng đột phá của đất nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tham mưu như thế nào để thể chế, pháp luật và chính sách trở thành đột phá cho các đột phá khác của Việt Nam hiện nay cũng như trong những năm tới?

Thứ hai: Làm thế nào để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hơn nữa để đưa nền kinh tế đất nước vững bước tiến lên? Làm sao để tài nguyên đổi mới sáng tạo trở thành một tài nguyên mới và vô tận cho sự phát triển bền vững?

Thứ ba: Làm sao để Việt Nam tránh được các bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp, và thậm chí cả bẫy rác thải công nghệ?

Thứ tư: Làm sao để không ai bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển? Làm sao để tạo ra tăng trưởng bao trùm hơn nữa, để mọi người dân thoát nghèo, để giảm nghèo đa chiều bền vững?

Thứ năm: Làm sao để cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội một cách đầy đủ, kịp thời và xuyên suốt nhất? Chẳng hạn, làm thế nào để kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết 10 của Trung ương? Làm sao để thu hút được dòng vốn FDI có chất lượng theo tinh thần Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị?

Thứ sáu: Làm sao tận dụng được cơ cấu dân số vàng, cần có giải pháp gì tận dụng tốt các cơ hội và nguồn lực con người từ cơ cấu dân số trẻ để phát triển đất nước, để xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc?

Thứ bẩy: Làm sao để vừa phát triển mạnh mẽ tầng lớp trung lưu nhưng đồng thời vẫn mang lại quyền lợi cho người lao động, cho nhân dân, không làm tăng sự phân hóa trong xã hội?

Thứ tám: Đề xuất cơ chế phân cấp, phân quyền phù hợp, đồng thời gắn với cơ chế liên kết vùng (cả về cơ chế, tổ chức, tài chính, quản trị…). Yêu cầu đặt ra là làm thế nào để các vùng không bị cát cứ như thời gian qua (cát cứ nội vùng và liên vùng), không triệt tiêu động lực và lợi thế cạnh tranh của nhau, phát huy được lợi thế kinh tế nhờ quy mô toàn vùng?

Thứ chín: Làm sao để tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh thực hiện quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số? Làm sao để cuộc cách mạng này lan tỏa rộng khắp nền kinh tế và phát huy hiệu quả tốt nhất ở nước ta?

Cuối cùng, nhưng không kém vai trò quan trọng là: Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chủ trì tham mưu và chuẩn bị sẵn các điều kiện, yếu tố nền tảng cần thiết để ngay khi Đại hội Đảng lần thứ XIII kết thúc, tinh thần Nghị quyết của Đại hội phải ngay lập tức đi vào thực tiễn đời sống xã hội? Về mặt định hướng, cần phải tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp với sự kiên định và nhất quán trong thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu, 

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn mới của quá trình phát triển với nhiều cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt là tác động, ảnh hưởng nặng nề trên nhiều lĩnh vực của đại dịch Covid-19. Tôi cơ bản nhất trí phương hướng, nhiệm vụ, tầm nhìn và đánh giá cao phương châm hành động của ngành Kế hoạch và Đầu tư: “Phát huy truyền thống đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh; nêu cao tinh thần trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2021-2025”.

Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả đạt được, luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đổi mới tư duy phát triển, với tinh thần tiên phong, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu cao nhất, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh được giao, đặc biệt là trong công tác tham mưu tổng hợp cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tình hình mới, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đưa đất nước ta vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững.

Nhân dịp chuẩn bị bước sang năm mới 2021 và đón Xuân Tân Sửu, tôi xin chúc các đồng chí nguyên lãnh đạo, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đồng chí lãnh đạo các bộ ngành, địa phương cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác trong ngành Kế hoạch và Đầu tư và qua các đồng chí gửi đến gia đình lời chức mừng sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cám ơn./.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.