Thủ tướng: Làm công nghệ phải có sáng tạo và khát vọng Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan triển lãm tại hội nghị chiều qua. ảnh: Minh Quyết
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan triển lãm tại hội nghị chiều qua. ảnh: Minh Quyết
TP - Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những người làm công nghệ phải có sáng tạo và khát vọng Việt Nam. Như vậy mới đưa đất nước tiến lên. 

Đưa Việt Nam vào Top 4 thế giới về sản xuất thiết bị viễn thông

 Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ TT&TT có sứ mạng đưa ICT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. “Công nghệ sinh ra là để giải quyết vấn đề, ở đâu có vấn đề là ở đó có công nghệ, có giải pháp. Vấn đề đang có ở mọi nơi, có thể là ngay chính trong công việc hàng ngày của mỗi chúng ta, và mỗi chúng ta có thể khởi nghiệp công nghệ để giải quyết chính bài toán của mình. Cuộc cách mạng toàn dân khởi nghiệp công nghệ sẽ giúp Việt Nam hóa Rồng, hóa Hổ. Bộ TT&TT phải đóng vai trò dẫn dắt trong cuộc cách mạng này”.

Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu năm 2019 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020. Một số mục tiêu cụ thể như đưa lĩnh vực Bưu chính tăng trưởng 30%, đưa Việt Nam vào nhóm 75 quốc gia dẫn đầu về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc vào 2020. Phát triển công nghiệp phòng chống tấn công mạng bằng công cụ “Made in Vietnam”, thúc đẩy phát triển mạng xã hội Việt Nam. Tập trung triển khai quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2025. Xây dựng giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của mạng xã hội nước ngoài.

Trong lĩnh vực viễn thông, Bộ trưởng cho rằng, hạ tầng viễn thông hiện nay không chỉ là hạ tầng thông tin liên lạc mà là hạ tầng kinh tế số, xã hội số, hạ tầng của CMCN 4.0, hạ tầng kết nối vạn vật. Việt Nam phải đi cùng nhịp thế giới về công nghệ mới chứ không chậm 8 năm, 10 năm như với 3G, 4G. Việc thử nghiệm 5G sẽ thực hiện trong năm 2019.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, trong 10 năm qua, xếp hạng của Viễn thông-CNTT của Việt Nam đã tụt dần xuống vị trí trên 100, đứng dưới trung bình thế giới. Những năm tới, chậm nhất là đến 2022, chúng ta phải đưa thứ hạng của Việt Nam về thứ 30-50. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ ra, Việt Nam đang có cơ hội trở thành nhà sản xuất thiết bị điện tử viễn thông lớn của thế giới. Thế giới về cơ bản chỉ còn 4 công ty sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông gồm Ericsson, Nokia, Huawei và ZTE của Trung Quốc. Trung Quốc chiếm tới trên 60% thị phần, nhưng lại đang gặp khó khăn với Mỹ. Việt Nam hiện sản xuất được 70% các loại thiết bị viễn thông. Chúng ta có thể trở thành nước thứ 4 trên thế giới sản xuất và xuất khẩu được tất cả thiết bị viễn thông. “Điều này chúng ta phải làm được trong năm 2019-2020”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, mục tiêu này hoàn toàn có cơ sở. Viettel tin tưởng sẽ làm chủ nghiên cứu sản xuất thành công toàn bộ thiết bị hạ tầng mạng viễn thông theo xu thế công nghệ mới, trong đó làm chủ thiết bị BTS 5G trước năm 2021.

Các doanh nghiệp Việt cần vươn mạnh mẽ ra thị trường thế giới

 Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao một số thành tựu đạt được của ngành thông tin và truyền thông, trong đó có đóng góp lớn về doanh thu, lợi nhuận, việc làm từ các doanh nghiệp lớn như VNPT, Viettel, FPT, đóng góp trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng. Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao ý chí và khát vọng của ngành: “Tôi rất ấn tượng với cụm từ sáng tạo và khát vọng Việt Nam. Tất cả những người làm công nghệ và báo chí phải khát vọng và sáng tạo Việt Nam. Như thế mới đưa Việt Nam tiến lên. Nói như vậy để chúng ta có tầm nhìn và ý chí quyết tâm cao hơn”, Thủ tướng nói. 

Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại của ngành trong thời gian qua như bài học đắt giá từ vụ AVG làm chậm đi sự phát triển của ngành. Xếp hạng của Việt Nam trong lĩnh vực do Bộ TT&TT quản lý còn thấp và có xu thế tụt hạng. Ở một số địa phương, vai trò của Sở TT&TT còn mờ nhạt. Trong lĩnh vực viễn thông, Thủ tướng đề nghị  Bộ TT&TT phải xử lý triệt để vấn đề sim rác, “Tôi đề nghị Chủ tịch, Tổng giám đốc các công ty viễn thông ngồi đây phải chịu trách nhiệm vấn đề sim rác. Bộ trưởng phải chỉ đạo các đơn vị liên quan để thực hiện việc này”, Thủ tướng nói.

Phát biểu định hướng, Thủ tướng nhấn mạnh, ngành thông tin và truyền thông phải có thứ hạng cao về ICT bởi ICT là nền tảng của nhiều lĩnh vực như kinh tế số. Bộ TT&TT phải dẫn dắt quá trình phát triển ICT ở VN, thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ, phát triển công nghệ, dùng công nghệ giải quyết các vấn đề Việt Nam. Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT sớm trình Đề án chuyển đổi số quốc gia, giúp Việt Nam có sự bứt phá về kinh tế số, quản lý số. Phải nâng cao thứ hạng Việt Nam về Chính phủ điện tử, tăng ít nhất 15 bậc vào năm 2020. Đưa Việt Nam thành cường quốc về an ninh mạng. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp ICT, Thủ tướng yêu cầu, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT phải đạt thứ hạng cao toàn cầu, vươn ra mạnh mẽ trên thị trường thế giới. 

Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phải triển khai đồng bộ các biện pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật để các mạng xã hội nước ngoài có hoạt động cung cấp dịch vụ ở Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam đồng thời chú trọng xây dựng mạng xã hội Việt Nam có lượng người dùng đông đảo.

Báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sứ mạng của báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường. Một đất nước muốn vươn lên thì sức mạnh chính là sức mạnh tinh thần. Báo chí phải tạo ra sức mạnh tinh thần đó. Dù là đưa tin tiêu cực hay tích cực thì vẫn phải với mục tiêu khích lệ Việt Nam, làm cho Việt Nam mạnh lên, ổn định, chứ không phải làm xói mòn sức mạnh của đất nước. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cơ quan quản lý phải tăng cường sử dụng công nghệ trong quản lý báo chí.



MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.