Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Trí thức, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài 2024. (Ảnh: Nhật Minh) |
Đó là những lời tâm huyết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 với chủ đề: Trí thức và Chuyên gia kiều bào hiến kế về các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước.
Diễn đàn Trong khuôn khổ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư do Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức sáng 22/8, tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của hơn 600 đại biểu, trong đó có hơn 400 đại biểu kiều bào.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng cho biết: “Chúng ta rất vui mừng trước sự hiện diện của đông đảo các vị nhân sĩ, trí thức, chuyên gia, doanh nghiệp kiều bào - Những cánh chim đầu đàn đã dẫn đầu phong trào kiều bào từ hàng chục năm nay, với những đóng góp vô cùng quý báu cho đất nước, cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Xin nhiệt liệt chào đón Giáo sư Trần Thanh Vân, Giáo sư Lê Kim Ngọc và nhiều các bác, các anh chị mà tôi không thể kể hết tên ở đây. Tôi rất vui mừng thấy các bác, các anh chị vẫn mạnh khỏe, luôn quan tâm đến quê hương, đất nước và về dự Diễn đàn cùng chúng ta”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Nhật Minh) |
“Đây chính là dịp hội ngộ, trùng phùng để chúng ta cùng thảo luận những vấn đề quan trọng, thiết thực về sự phát triển của đất nước trong những năm tới, và lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, hiến kế đóng góp quý báu của bà con kiều bào. Đây cũng chính là dịp thể hiện 'tình dân tộc, nghĩa đồng bào'. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới từng khẳng định: Tổ quốc và Chính phủ luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà", Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ.
Thủ tướng khẳng định, sau gần 40 năm Đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay”.
Từ một nước bị chiến tranh tàn phá và sau gần 30 năm bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới, tham gia 16 hiệp định thương mại tự do. Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó với 30 nước là đối tác toàn diện, đối tác chiến lược; là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế.
Năm 2023, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỉ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.300 USD. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42%. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát khoảng 4%; các cân đối lớn được bảo đảm. An sinh xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nâng tầm, đạt nhiều kết quả quan trọng.
“Việt Nam đi đầu trong thực hiện thành công nhiều Mục tiêu Phát triển bền vững, nhất là về xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục. Với thế và lực mới, Việt Nam ngày càng chủ động đóng góp cho các quan tâm chung của toàn cầu, trong đó có các nỗ lực gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, cứu trợ cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo", Thủ tướng khẳng định.
Riêng về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, Việt Nam đang đạt nhiều thành tựu quan trọng: 100% xã, phường, thị trấn đã kết nối Internet băng thông rộng; chỉ số Đổi mới sáng tạo GII của Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đứng thứ 58 thế giới. Kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng gấp 11 lần đến năm 2030, đạt mức 220 tỷ USD.
“Đạt được những thành tựu đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân cả nước và 6 triệu kiều bào ta ở nước ngoài. Qua đó, tiếp tục củng cố và tăng cường niềm tin của đồng bào trong và ngoài nước về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về tương lai và cơ đồ đất nước; đồng thời khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Người xưa đã dạy: 'Hiền tài là nguyên khí của quốc gia'. Đảng và Nhà nước xác định rõ, bà con kiều bào là vốn quý của đất nước. Nói đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nhắc tới những người con đất Việt xa Tổ quốc nhưng luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, hướng về cội nguồn. Những con người đóng góp tinh thần, vật chất, kể cả hy sinh xương máu cho đất nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh,Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ luôn tạo điều kiện, đảm bảo quyền lợi chính đáng của bà con về đất đai, nhà cửa, quốc tịch, cư trú, môi trường đầu tư, kinh doanh… Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa qua đã khẳng định cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo thuận lợi cao nhất cho các hoạt động đóng góp xây dựng đất nước.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu:
(1) Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là mái nhà chung, là địa chỉ tin cậy của bà con kiều bào, là cầu nối đưa bà con về gần hơn với Tổ quốc. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hoá công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại, hỗ trợ kiều bào giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
(2) Các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực đổi mới tư duy phát triển, quyết liệt hành động, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có cơ chế, chính sách thuận lợi cho bà con, doanh nghiệp kiều bào đầu tư kinh doanh, hỗ trợ nhân dân trong nước.
"Tôi yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp thu, lắng nghe, phản hồi và áp dụng trên thực tế những ý kiến đóng góp quý báu của kiều bào. Trong đó lưu ý, cùng với đóng góp bằng của cải vật chất, đóng góp bằng trí tuệ, ý tưởng, sáng kiến, tri thức khoa học công nghệ của kiều bào là nguồn lực quý báu cho phát triển đất nước ngày nay", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Theo người đứng đầu Chính phủ, bà con kiều bào ngày càng ổn định cuộc sống, địa vị pháp lý, phát triển và hội nhập sâu, toàn diện, nâng cao hơn nữa địa vị chính trị ở nước sở tại. Bà con hãy tiếp tục là những sứ giả của nước Việt, làm rạng danh dân tộc Việt Nam, nòi giống con Rồng cháu Tiên, phát huy và làm lan tỏa văn hóa Việt, giá trị Việt. Đất nước cũng luôn kề vai sát cánh, cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của kiều bào ta.
Bà con kiều bào hãy đoàn kết, vững mạnh, góp phần vào củng cố vị thế của đất nước; trên cơ sở đó góp phần hỗ trợ cộng đồng có vị trí tốt hơn tại nước sở tại.
Bà con kiều bào tiếp tục đề xuất những ý tưởng đột phá, sáng tạo, đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển đất nước.
“Đặc biệt, về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tôi vui mừng được biết các trí thức, chuyên gia người Việt Nam đang là nguồn nhân lực rất mạnh tại các trường, viện nghiên cứu, các tập đoàn đa quốc gia ở nhiều nước. Đề nghị các anh, các chị, các bạn hãy hiến kế, nhất là về phát triển khoa học công nghệ, các lĩnh vực mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…; đồng thời, đề xuất những dự án cụ thể, nhân rộng cách làm tốt, mô hình hiệu quả và trực tiếp tham gia triển khai thực hiện", Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất.