Thủ tướng: Hiện đại hóa lĩnh vực tài chính, ngân hàng để đi đầu trong chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính (ảnh Nhật Bắc)
Thủ tướng Phạm Minh Chính (ảnh Nhật Bắc)
TPO - Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ chủ trương của Việt Nam là hiện đại hóa nhanh lĩnh vực tài chính, ngân hàng để các lĩnh vực này đi đầu trong chuyển đổi số.

Sáng 24/11 (giờ địa phương), tại Tokyo, Thủ tướng Phạm Minh Chính mở đầu ngày làm việc bận rộn bằng cuộc gặp, làm việc với các lãnh đạo tập đoàn lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho rằng, cùng với ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số là xu thế lớn của thế giới. Chuyển đổi số tác động tới mọi quốc gia, là vấn đề toàn cầu nên cách tiếp cận phải toàn cầu, tác động tới mọi người dân nên cần cách tiếp cận toàn dân.

Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế và chuyển đổi số, nổi bật là nền kinh tế tăng trưởng nhanh, có độ mở cao, đã ký 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nước, gồm các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN…

Việt Nam cũng đã có chương trình chuyển đổi số quốc gia tới năm 2025 và định hướng tới năm 2030, với 3 trụ cột về kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số. Trong quá trình đó, Việt Nam xác định người dân là trung tâm, là chủ thể. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP và đến năm 2030 chiếm 30%.

Thủ tướng: Hiện đại hóa lĩnh vực tài chính, ngân hàng để đi đầu trong chuyển đổi số ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các tập đoàn lớn của Nhật Bản về chuyển đổi số (ảnh Nhật Bắc)

Trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế chuyển đổi số; nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của người dân về tầm quan trọng của lĩnh vực này.

“Chuyển đổi số không chỉ có sự dẫn dắt của Chính phủ mà còn có sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể. Mọi chính sách phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, người dân và doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh hợp tác công tư trong bối cảnh nguồn lực nhà nước có hạn, cần dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội.

Về một số vấn đề cụ thể mà các đại biểu quan tâm, Thủ tướng chia sẻ chủ trương của Việt Nam là hiện đại hóa nhanh lĩnh vực tài chính, ngân hàng để các lĩnh vực này đi đầu trong chuyển đổi số.

“Cũng như các quốc gia, Việt Nam có cách tiếp cận riêng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình, nhưng không tách rời cách tiếp cận chung của thế giới, bởi chỉ như thế thì chúng ta mới có thể hợp tác được”, Thủ tướng nói.

Theo chương trình, hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính có một lịch trình làm việc dày đặc. Vào cuối giờ chiều nay (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Hai Thủ tướng sẽ chứng kiến lễ trao đổi các văn kiện hợp tác.

Thủ tướng cũng sẽ hội kiến với ông Hosoda, Chủ tịch Hạ viện và bà Santio Akiko, Chủ tịch Thượng viện.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng dự kiến tiếp ông Shizo Abe, cựu Thủ tướng Nhật Bản; và tiếp một số tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản…

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.