Thủ tướng: Hệ thống đô thị phát triển nhanh nhưng thiếu liên kết

TPO - Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm (2015 – 2016) của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra bất cấp, hệ thống đô thị cả nước phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng, liên kết các đô thị còn thấp. Thời gian tới, ngành xây dựng cần đẩy mạnh thực hiện đô thị vệ tinh.

Chiều 26/12, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm (2015 – 2016); định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 5 năm (2021 – 2025) và năm 2021. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chỉ đạo hội nghị.

Tập trung phát triển nhà ở cho công nhân

Tổng kết giai đoạn 2016 – 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, xây dựng có bước phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, mức phát triển còn chưa tương xứng tiềm năng. “Một số đồ án quy hoạch còn thấp, tầm nhìn dự báo chưa hợp lý. Tôi đã phát biểu vấn đề này với hội quy hoạch đô thị. Vấn đề quy hoạch tổng thể, quy hoạch xây dựng phải mang tầm nhìn lâu dài cho đất nước, tuy nhiên hiện nay một số dự án vẫn còn vội vàng, các phương án quy hoạch chưa được tính toán cụ thể. Một số địa phương điều chỉnh quy hoạch chưa kiểm soát chặt chẽ, quy mô điều chỉnh mang tính bộ phận. Ý tưởng thì rất tốt nhưng việc điều chỉnh đã xé nát quy hoạch”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo kiên quyết, giải quyết quy hoạch di dời các trường Đại học, cơ sở nhà máy xí nghiệp ra khỏi nội đô.

“Thị trường bất động sản chưa có vấn đề gì lớn. Nhưng chúng ta phải chú ý vấn đề quản lý đầu tư bất động sản. Đặc biệt, phân khúc nhà ở xã hội cho người nghèo cho công nhân chưa làm được chưa làm tốt. Muốn làm nhà ở xã hội được phải bố trí nguồn lực thực hiện, làm tốt về đất đai, điều này do địa phương quản lý. Địa phương có khu công nghiệp phải tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân. Năm nay tôi đề nghị các bộ tham mưu, cố gắng bố trí thêm vốn đầu tư trung hạn xây dựng nhà ở cho công nhân”, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng.

Giai đoạn 2016 - 2020 hoàn thành 5/6 chỉ tiêu đề ra

Báo cáo trước hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng đã cơ bản hoàn thành 5/6 nhóm chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020. Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng bình quân 8,5% - 8,7%/năm, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt khoảng 40%, quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn đều đạt 100%, … Tuy nhiên, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc năm 2020 ở mức 24 m2sàn/người, không đạt mục tiêu đề ra (25m2 sàn/người).

Bộ Xây dựng thừa nhận, công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại một số Tổng công ty thuộc Bộ còn chậm so với kế hoạch. Cụ thể, tiến độ thực hiện ở một số doanh nghiệp còn chậm do một số quy định pháp luật thay đổi; các địa phương chậm có ý kiến về phương án sử dụng đất và giá đất; lãnh đạo một số doanh nghiệp chưa thực sự chủ động và quyết liệt.

Bộ đang tiếp tục thực hiện công tác cổ phần hóa đối với 2 Tổng công ty còn lại là Tổng công ty HUD và VICEM, trong đó trọng tâm là hoàn thành phương án sử dụng đất và thực hiện công tác xác định giá trị doanh nghiệp.

Về vấn đề phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng, một số địa phương chưa thực sự quan tâm, quyết liệt trong triển khai công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; kinh phí dành cho công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước, chưa đa dạng hóa, xã hội hóa được các nguồn lực để thực hiện.

Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung biên chế cho Bộ Xây dựng, bổ sung tiêu chí về đào tạo chuyên môn nghiệp vụ trong tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý xây dựng, đô thị các cấp và xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo cán bộ hằng năm.

Về các chỉ tiêu phát triển chủ yếu 5 năm 2021 – 2025, Bộ Xây dựng đề ra tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6-8%/năm, duy trì, đảm bảo các chỉ tiêu về quy hoạch, hạ tầng, nhà ở hướng đến tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45%. 

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.