Thủ tướng giao 10 nhiệm vụ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường sáng nay (5/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao 10 nhiệm vụ quan trọng cho ngành tài nguyên và môi trường trong thời kỳ tới.

Thủ tướng đánh giá, 20 năm qua, ngành tài nguyên môi trường đã vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng trưởng thành và phát triển, chủ động nắm bắt thuận lợi và thời cơ, bám sát thực tiễn phát triển của đất nước cũng như xu hướng quốc tế, qua đó củng cố vững chắc nền tảng, khẳng định vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của ngành đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, sau 20 năm xây dựng, phát triển, trưởng thành, ngành tài nguyên và môi trường đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi mới nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức. Để tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, Thủ tướng đề nghị toàn ngành tập trung triển khai thực hiện đồng bộ 10 nhiệm vụ giải pháp.

Thủ tướng giao 10 nhiệm vụ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan mô hình radar dự báo thời tiết tại Triển lãm kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Một là, lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành tài nguyên và môi trường phải tăng cường đoàn kết, phối hợp chặt chẽ. Chấp hành và thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xây dựng Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên. Càng khó khăn bao nhiêu, càng phải đoàn kết, thống nhất, phát huy tinh thần dân chủ, sức mạnh và trí tuệ tập thể.

Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm. Xác định những việc quan trọng, cấp bách, cần giải quyết ngay, bảo đảm thực hiện tốt những công việc thường xuyên, ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh, có lộ trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các công việc trong trung hạn và dài hạn.

Hai là, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy trong nhiệm kỳ Chính phủ mới, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực hiệu quả. Xây dựng bộ máy tinh gọn phải gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trách nhiệm, chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn cao, có bản lĩnh và tầm nhìn dài hạn.

Đẩy mạnh phân cấp gắn với đảm bảo các điều kiện nguồn lực thực hiện và tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, rõ người, rõ việc, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả, đề cao vai trò người đứng đầu, thúc đẩy bộ máy hành chính vận hành tiến về phía trước với phương châm sáng tạo, hành động, hiệu quả phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp.

Thủ tướng giao 10 nhiệm vụ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường ảnh 2

Thủ tướng giao 10 nhiệm vụ trọng tâm cho ngành tài nguyên và môi trường trong thời gian tới.

Ba là, rà soát hoàn thiện hệ thống các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các Hiệp định, thỏa thuận quốc tế có liên quan về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo đồng bộ, minh bạch phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông, giải phóng tối đa các nguồn lực tài nguyên cho phát triển và bảo vệ môi trường sống an toàn cho Nhân dân. Trong đó, trọng tâm là sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCHTW khóa XIII, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý sử dụng đất đai, giải phóng, phát huy nguồn lực quan trọng này cho phát triển đất nước.

Bốn là, tập trung hoàn thành việc lập, phê duyệt các quy hoạch, chiến lược đảm bảo khả thi, định hình không gian phát triển của đất nước với tầm nhìn dài hạn để phân bổ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển nhanh và bền vững. Đưa các yêu cầu về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu thành một nội dung, nhiệm vụ trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Năm là, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng tài nguyên số trên nền tảng dữ liệu lớn. Chậm nhất trong năm 2025 phải hoàn thành đưa vào vận hành hệ thống thông tin cơ sơ sở dữ liệu về đất đai quốc gia tập trung, thống nhất, đa mục tiêu, tích hợp, liên thông. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tiếp cận quản lý theo mục tiêu, đánh giá dựa trên kết quả, cải cách triệt để, rút gọn, lồng ghép, thực hiện đồng thời các thủ tục hành chính, khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Sáu là, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khắc phục các tồn tại, hạn chế, nhất là trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản. Có giải pháp ứng phó hiệu quả với nguy cơ suy giảm, suy thoái nguồn nước, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Nghiên cứu cơ chế chia sẻ và giải quyết tranh chấp, xung đột trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước xuyên biên giới, nhất là sông Mê Công và sông Hồng. Khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng biển và ven biển, thiết lập hệ thống quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ theo chuẩn mực quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản có nền kinh tế biển xanh, bảo đảm các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển, cải thiện chất lượng môi trường biển, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.

Thủ tướng giao 10 nhiệm vụ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương lao động hạng Nhất cho đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bảy là, triển khai đưa Luật Bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống. Xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, thực hiện di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ ô nhiễm ra khỏi đô thị, khu dân cư, cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông... Phát triển các ngành công nghiệp môi trường, tái chế, tái sử dụng tuần hoàn biến rác thải thành tài nguyên. Cải tạo, phục hồi chất lượng các nguồn nước sông, hồ đã bị ô nhiễm, suy thoái, cải thiện chất lượng không khí trong các đô thị, khu dân cư.

Tám là, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hiện đại hóa hệ thống mạng lưới khí tượng thủy văn. Ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong dự báo, cảnh báo thiên tai, thời tiết và giám sát biến đổi khí hậu. Thể chế hóa, lồng ghép yêu cầu giảm phát thải vào các quy hoạch, chiến lược, chuyển dịch mô hình phát triển nhằm đạt mục tiêu phát thải bằng “0” vào năm 2050. Đầu tư nguồn lực ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu bằng các giải pháp công trình và phi công trình; chuẩn bị nội lực để từng bước chủ động thực hiện những đóng góp đã cam kết với quốc tế cũng như các hành động cấp bách “không hối tiếc” trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta.

Chín là, đẩy mạnh hợp tác, hội nhập, phân tích dự báo, phân tích các xu thế, dòng chảy của thời đại để tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách nhằm đi trước đón đầu, bắt kịp xu hướng phát triển chung của thế giới, nắm bắt và tận dụng các thời cơ, thúc đẩy chuyển dịch mô hình phát triển, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.

Mười là, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông. Chúng ta đều biết, để quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường tốt đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, ngành tài nguyên môi trường phải chú trọng hơn nữa công tác truyền thông, nhất là đổi mới nội dung, phương thức nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân cũng như ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương.