Theo thống kê, trong 5 năm (2010 - 2014), diện tích rừng vùng Tây Nguyên giảm hơn 300.000 ha, độ che phủ rừng giảm 6,1%; trữ lượng rừng giảm hơn 57 triệu m3, tương ứng 17,4%. Tình hình vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng có chiều hướng gia tăng. Năm 2015, kiểm lâm xử lý hơn 6.000 vụ vi phạm bảo vệ và phát triển rừng.
Nguyên nhân chủ yếu do sức ép về phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên ngày càng tăng; công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp còn nhiều yếu kém, nhất là chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ rừng. Việc quản lý các cơ sở chế biến gỗ, tụ điểm mua, bán gỗ kém hiệu quả; cấp phép kinh doanh không gắn kết với quy hoạch nguồn nguyên liệu; việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên rà soát toàn bộ việc cấp phép cho các doanh nghiệp thực hiện dự án trên đất rừng, xử lý nghiêm các đơn vị sai phạm trong quản lý, bảo vệ rừng; ngăn chặn, xử lý kịp thời nạn phá rừng.
Kiểm tra việc cấp phép các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên, ngừng cấp phép các công trình thủy điện chiếm đất rừng và rừng, yêu cầu các dự án thủy điện thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế, kiên quyết thu hồi giấy phép dự án không chấp hành trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Chủ tịch UBND các tỉnh Tây Nguyên chịu trách nhiệm chính trong việc để mất rừng tại địa phương, giao nhiệm vụ công tác bảo vệ rừng từ tỉnh xuống huyện, xã; cấp kinh phí bố trí cán bộ kiểm lâm xuống địa bàn theo quy định để phục vụ tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng…