Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tổ chức sáng 22/12 tập trung đánh giá, phân tích kết quả, tồn tại, hạn chế trong phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa thời gian qua. Từ đó, các đại biểu là nhà quản lý, chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp nhận diện thời cơ, thách thức và giải pháp thúc đẩy công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Lo xâm lăng văn hóa
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm cho rằng ở hội nghị này, các cấp quản lý, cơ quan có thẩm quyền lắng nghe các nhà sáng tạo văn hóa, các doanh nghiệp cần gì để đáp ứng, hoặc bớt đi để giảm gánh nặng.
"Đây là lĩnh vực ít phải kêu gọi tinh thần dám nghĩ, dám làm mà bài toán nằm ở chỗ chúng ta có dám cho làm không", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng Nhà nước cần thúc đẩy công nghiệp văn hóa bằng biện pháp tham gia thị trường như là một khách hàng lớn của văn hóa. Ảnh: Nhật Bắc. |
Lãnh đạo Bộ TT&TT đề cập một lực lượng sáng tạo nội dung trên mạng mang về doanh thu lớn. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, năm 2023 riêng các nền tảng số xuyên biên giới đăng ký nộp thuế đã thu được 8.000 tỷ đồng. Chỉ riêng khu vực trên mạng, nội dung số doanh thu quảng cáo khoảng 4 tỷ USD, trong đó 70% là nước ngoài, Việt Nam chỉ thu được phần nhỏ.
"Hiện nay chúng ta đang chứng kiến thực trạng gọi là xâm lăng văn hóa vào tận phòng ngủ của mỗi gia đình, ngay trên điều khiển tivi. Trên ứng dụng YouTube, xem các kênh nước ngoài luôn dễ hơn xem truyền hình Việt Nam", ông Nguyễn Thanh Lâm cho hay.
Để lập lại trật tự và cân bằng ở lĩnh vực này, từ năm 2024 Bộ TT&TT đề nghị tất cả nền tảng ti vi thông minh của Việt Nam phải cài sẵn các ứng dụng về báo chí, truyền hình.
Lãnh đạo Bộ TT&TT cho rằng tới đây, nếu Thủ tướng đồng ý, Bộ TT&TT và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp đề xuất có quyết định của Thủ tướng bắt buộc cài sẵn ứng dụng nền tảng OTT (dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người xem thông qua Internet) lên các sản phẩm thiết bị thông minh.
Kênh truyền hình Việt Nam dường như có sự "lép vế". |
"Trong những quyết sách tới đây, Nhà nước cần thúc đẩy công nghiệp văn hóa bằng biện pháp tham gia thị trường như là một khách hàng lớn của văn hóa, là khách hàng khó tính nhưng cũng là khách hàng sòng phẳng có đủ nguồn lực để trang trải.
Hiện nay, việc Nhà nước tham gia thị trường và mua dịch vụ công trong rất nhiều lĩnh vực có vướng về thể chế xác định giá, về kinh tế kỹ thuật, quy trình thẩm định rất phức tạp. Năm nay cũng là năm chúng ta sửa đổi các thể chế để thực hiện Luật Giá sửa đổi và thực hiện các cơ chế khác để giải phóng các đơn vị sự nghiệp công, trong đó có các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực văn hóa. Chúng tôi đề xuất cải cách thể chế này để Nhà nước có thể tham gia thị trường", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm kiến nghị.
Cần tác phẩm có giá trị, đi vào lòng người
Phát biểu tổng kết, chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ ra thực trạng phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam, những tồn tại và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thủ tướng nhấn mạnh nội dung, hình thức của các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa trong nước hiện nay còn hạn chế (thiếu những sản phẩm, tác phẩm lớn, phản ánh hơi thở, sự phát triển của kinh tế xã hội đất nước, một số tác phẩm có biểu hiện lệch chuẩn), dễ bị tác động bởi yếu tố bên ngoài như kinh tế, dịch bệnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được tổ chức là hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc. |
"Ở lĩnh vực phim ảnh, tác phẩm của quốc tế hiện giữ ưu thế, chiếm tới 70% số suất chiếu ở rạp, các kênh truyền hình cũng chủ yếu chiếu phim ngoại. Tôi xót ruột khi cứ mở tivi là thấy phim nước ngoài", Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định tầm quan trọng của việc đầu tư làm các bộ phim có giá trị, đi vào lòng người, nhờ đó thu hồi vốn nhanh.