Nhiều vi phạm ở bãi sông Hồng qua Hà Nội: Ai bảo kê?

'Thủ phủ' tập kết vật liệu, trạm trộn bê tông

TP - Dọc sông Hồng khu vực nội thành Hà Nội san sát những trạm trộn bê tông, bãi tập kết cát gây mất mỹ quan đô thị. Tàu hút cát không biển số ngang nhiên neo đậu, chờ đêm đêm đi hút cát…

Mịt mù khói bụi

Từ dưới sông Hồng nhìn vào khu vực cảng Khuyến Lương (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai), chúng tôi thấy la liệt những trạm trộn bê tông đang hoạt động. Những cái tên nổi tiếng trong giới bê tông tươi của Hà Nội đều góp mặt tại đây như: Bê tông sông Hồng, bê tông Việt Ý, ShungShin Vina, Hợp Thành, Việt Đức, Asphan Viên Phát. Cùng với đó là những nhà xưởng mọc lên san sát. Trên bờ, đường vào đây lúc nào cũng tấp nập xe tải, xe bê tông. Đường sá xuống cấp, sống trâu, ổ gà. Những hộ dân sống quanh đây, ngày mưa phải chịu sình lầy, ngày nắng hứng bụi mù mịt. Nhiều hộ rất bức xúc khiếu nại nhưng bất thành, phải tự tưới nước, che kín cửa bằng rèm, mành...

'Thủ phủ' tập kết vật liệu, trạm trộn bê tông ảnh 1

Những bãi cát tại khu vực phường Thụy Phương (Bắc Từ Liêm)

Địa phận hai bên chân cầu Thăng Long thuộc phường Đông Ngạc và Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm) từ nhiều năm qua luôn là khu vực ô nhiễm môi trường, khói bụi bốc lên mù mịt. Nguyên nhân từ hoạt động tấp nập của hàng trăm chiếc xe tải ra vào chở cát, sỏi từ bờ sông Hồng vào nội thành. Ghi nhận của phóng viên tại đây cho thấy, hai bên cầu Thăng Long, thuộc địa bàn phường Đông Ngạc và Thụy Phương đang có hàng chục bến bãi khổng lồ dùng để tập kết, trung chuyển cát, sỏi.

Tại khu vực gần đình Chèm (phường Thụy Phương) có khoảng gần chục bãi cát. Khu vực cửa khẩu K54+520 (đối diện với con đường rẽ vào UBND phường Thụy Phương), án ngữ lối vào là điểm tuần tra (công an phường Thụy Phương). Cạnh đó là khu đất có biển đề Cty CP DV Môi trường Thăng Long - Trạm rửa ô tô chở vật liệu rời bến Chèm 1. Nhưng bên trong, những núi cát vẫn sừng sững sát mép sông Hồng. Trên bờ, hàng chục xe cẩu chực chờ.

Tại khu vực sát cầu Thăng Long thuộc phường Đông Ngạc cũng có 3 bãi cát với những núi cát sừng sững sát mép sông. Lối vào khu vực này bị xe tải cày xới thành những ổ voi dày đặc. Lối vào có biển phủ bụi đề Cửa khẩu K56+000, công trình phục vụ quốc phòng - an ninh, cấm xâm phạm. Nhưng hằng ngày, xe tải cỡ lớn vẫn rầm rập qua lại.

Quản lý chồng chéo

'Thủ phủ' tập kết vật liệu, trạm trộn bê tông ảnh 2

Những con tàu không biển kiểm soát nằm chờ cạnh bãi cát

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc Nguyễn Văn Cường cho hay, phường Đông Ngạc quản lý khoảng 100ha đất bãi ngoài đê và mặt nước sông Hồng. Ngoài diện tích mặt nước, diện tích đất ở còn khoảng hơn 10ha đất bãi sông. Tuy nhiên, diện tích này đang bị quản lý chồng chéo. Một phần là đất ở (người dân đã ở lâu), một phần do Cty Đường sắt Hà Thái quản lý, một phần là dự án trồng che chắn sóng do quận quản lý. Phần còn lại là bãi trung chuyển vật liệu xây dựng. Năm 2002, UBND thành phố Hà Nội cho HTX Liên Thắng cải tạo bãi sông từ K55+600 đến K55+000 làm nơi bốc xếp, trung chuyển vật liệu xây dựng với chiều dài khoảng 400m dọc đê, chiều rộng là 200m về phía bờ sông. Về kỹ thuật, bãi vật liệu không được để vật liệu cao quá 2m.

Tại vị trí này, ngày 2/1/2021, Sở GTVT Hà Nội công bố lại hoạt động bến thủy nội địa Liên Ngạc của HTX Liên Thắng. Theo văn bản này, đây là bến tạm được tiếp nhận phương tiện có mớn nước không quá 1,5m. Bãi trung chuyển được bố trí 1 máy đào bánh xích xếp dỡ. Thời hạn cấp phép tạm đến 25/10/2022 và không hoạt động trong mùa mưa bão. Theo tài liệu được cung cấp, mỗi năm HTX Liên Thắng đóng thuế đất đai hơn 400 triệu đồng, ngoài ra không thấy thuế, phí khác.

Tuy nhiên, khu vực này còn có những vi phạm, lấn lòng sông, UBND phường Đông Ngạc khi phát hiện vi phạm đã xử phạt hành chính. Ngày 17/10/2022, UBND phường Đông Ngạc xử phạt và buộc khắc phục hậu quả đối với bà Nguyễn Thị Hồng Vân. Tháng 9/2022, người này chịu trách nhiệm trong việc lấn chiếm 1.500m2 đất để vật liệu xây dựng và để 100m3 cát trên hành lang thoát lũ sông Hồng.

Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc cho hay, HTX Liên Thắng không hoạt động gì mà cho các đơn vị khác thuê lại đất để hoạt động bến bãi. Xã viên HTX có một vài người, họ không kinh doanh, sản xuất mà tham gia công tác địa phương như tổ trưởng dân phố… “Phường Đông Ngạc cũng có những làng cổ, nhà cổ có niên đại 300 - 400 năm như ở Sơn Tây, địa phương cũng muốn thay đổi, phát triển du lịch và quảng bá địa phương nhưng còn rất khó khăn, chưa có cách xử lý”, ông Cường nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa Khu vực II (quản lý các cảng đường sông khu vực phía Bắc) cho hay, sông Hồng qua Hà Nội chỉ có cảng Hà Nội, cảng Khuyến Lương và bến Chèm được phép bốc dỡ hàng hóa, vật liệu. Các bãi cát, vật liệu xây dựng, các trạm trộn bê tông có hoạt động bốc dỡ cát dưới sông lên… đều không phép.

Đoàn tàu hút cát không số đỗ cạnh chốt CSGT

Ngay sát bãi cát khu vực phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm gần chốt CSGT đường thủy Hà Nội lâu nay luôn có 3 tàu không số được trang bị máy móc, vòi hút cát trực chờ neo đậu. Các tàu này nằm bờ buổi ngày và đêm đi hút cát.

Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư 08/VBHN-BGTVT về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa ngày 22/3/2021, phương tiện thủy nội địa sau khi được kiểm tra thỏa mãn các yêu cầu theo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật sẽ được đóng hoặc gắn một số kiểm soát. Số kiểm soát được đóng hoặc gắn trên phương tiện nhằm kiểm soát từng phương tiện và số lượng phương tiện đã được đăng kiểm trên toàn quốc.

Tin liên quan