Thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi khách sạn: Còn tranh cãi

Lãnh đạo Cục Bản quyền Tác giả nhắc lại việc thu phí là thoả thuận dân sự, cần theo lộ trình phù hợp và minh bạch. Ảnh: Nhật Minh.
Lãnh đạo Cục Bản quyền Tác giả nhắc lại việc thu phí là thoả thuận dân sự, cần theo lộ trình phù hợp và minh bạch. Ảnh: Nhật Minh.
TP - Tranh cãi xung quanh câu chuyện thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi tại phòng ngủ khách sạn một lần nữa được xới ra, nhân Diễn đàn bản quyền Hàn Quốc-Việt Nam.

Đếm phòng thu tiền

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vừa gây bão với tuyên bố thu tiền tác quyền âm nhạc qua ti vi tại phòng ngủ khách sạn, từ tháng 10. Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng, Hiệp hội Khách sạn Việt Nam đồng loạt phản ứng. Khúc mắc ở chỗ, trung tâm áp mức phí 25 nghìn đồng/tivi/năm.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc VCPMC khu vực phía Bắc nói sẽ làm việc với Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng xung quanh câu chuyện thu phí. “Cục Bản quyền tác giả xác nhận việc thu trong khách sạn là đúng, theo điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ. Câu chuyện chưa đồng thuận nằm ở mức giá 25.000 đồng/năm tức là khoảng 2.000 đồng/tháng/phòng. Tôi cho rằng đây là chuyện một bên thu tiền, một bên không muốn trả tiền”, ông Giang nói. Đại diện VCPMC một lần nữa nhắc lại không có chuyện phí chồng phí, bởi chủ khách sạn sử dụng ti vi để làm tăng lợi nhuận trong kinh doanh đương nhiên phải chi trả một phần lợi nhuận cho người sáng tác. “Khi trả phí cho truyền hình có bao gồm phí truyền đạt tới công chúng, nhưng khi khách sạn dùng ti vi để kinh doanh phải trả thêm phí theo quy định”, ông Giang nêu quan điểm.

Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng, trước đó, lên tiếng rằng muốn thu tiền phải thu đúng, bên VCPMC phải chứng tỏ khách có sử dụng. “Cái đó rất khó, thực tế không làm được tại bất kỳ nơi nào trên thế giới vì phòng khách sạn là nơi riêng tư không thể đặt bất cứ thiết bị gì trừ khi khách sạn tự đặt. Nếu họ muốn chúng tôi tự kiểm tra thì phi lí. Hơn nữa tôi không thể hiểu sao khách sạn  lại bảo không ti vi giá phòng vẫn thế. Khách sạn có tiêu chuẩn riêng, phải có ti vi mới đủ tiêu chuẩn”, ông Giang nói.

Cần lộ trình...

Ông Đặng Đình Long, Cty CP Giải pháp công nghệ và Truyền thông AIBIZ khẳng định chiết xuất được dữ liệu âm nhạc sử dụng trên truyền hình, đài phát thanh và đang xây dựng giải pháp giám sát trên internet. Trả lời Tiền Phong về việc liệu có xác định được dữ liệu khách sử dụng ti vi trong phòng khách sạn hay không, ông Long nói: “Về nguyên tắc, có thiết bị giám sát đó rồi, khoảng 200 sản phẩm được lắp đặt ở các khách sạn phía Nam, tại không gian công cộng là sảnh và bar. Ở sảnh đo được thì tại phòng ngủ khách sạn hoàn toàn có thể làm được, tuy nhiên phòng ngủ khách sạn là không gian riêng tư hay công cộng vẫn còn tranh cãi. Ngoài ra nếu lắp đặt thiết bị tại tất cả các phòng ngủ thì chi phí rất đắt. Về nguyên tắc ai muốn thu tiền phải đầu tư công nghệ. Không có chuyện tôi lái xe ô tô phải xây cây xăng, ai muốn kinh doanh tăng lợi nhuận phải tự xây dựng cây xăng”.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Yoo Ki Sun Giám đốc điều hành Hiệp hội người biểu diễn âm nhạc Hàn Quốc cho hay, Hàn Quốc nhờ đến các đơn vị giám sát để kiểm tra thông tin dữ liệu sử dụng, cộng với sự tự giác kê khai thông tin sử dụng để làm cơ sở thu phí tác quyền âm nhạc. Ông Park In Hee, Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc nói rằng trước khi tiến hành thu phí, Ủy ban xây dựng quy định và Bộ VHTTDL Hàn Quốc phê duyệt mới triển khai. Khi Hiệp hội đại diện quyền tác giả quyền liên quan và người sử dụng không thoả thuận được về mức phí sẽ đề nghị Ủy ban Bản quyền tác giả can thiệp, bất thành sẽ đưa ra toà. Thực tế Hàn Quốc có mức thu theo số lượng phòng, thấp nhất 20 nghìn won/tháng với cơ sở dưới 50 phòng, khách sạn trên 500 phòng thu tới 350 nghìn won/tháng. Tuy nhiên ông Park nhấn mạnh mỗi quốc gia có quan điểm và thu nhập khác nhau, đây cũng là chia sẻ mang tính tham khảo.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng một lần nữa nhắc lại rằng không có chuyện Cục có công văn đồng ý cho VCPMC tiếp tục thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi tại khách sạn “bởi đây là thoả thuận dân sự”. “VCPMC đừng áp dụng theo mức 25 nghìn đồng, bởi  thu tiền phải xác định được tác phẩm nào được khai thác sử dụng. Phía khách sạn cũng nói nếu đúng thì 50 nghìn đồng họ cũng trả. Mặc dù việc thu phí là quyền dân sự, nhưng đừng làm ảnh hưởng tới xã hội, nếu không cơ quan quản lý nhà nước phải tham gia”, ông Hùng nói. Ông cũng nhắc lại việc thu phí này phải phù hợp điều kiện kinh tế xã hội và luật pháp mỗi quốc gia. Ở Hàn Quốc chẳng hạn, họ cũng thực hiện theo lộ trình, đầu tiên thu tác quyền âm nhạc truyền hình, tới nhạc sống trong khách sạn sau đó mới tới tác quyền âm nhạc tại phòng nghỉ khách sạn.

Cách tính phí tác quyền âm nhạc qua ti vi khách sạn ở mỗi nước khác nhau. Tại Mỹ, việc thu phí chỉ áp dụng ở không gian công cộng như sảnh, bar còn lại không áp dụng với phòng ngủ vì được xem như không gian riêng tư. Tại Anh, nếu khách thuê phòng từ ngày thứ 29 trở đi không được thu vì được coi như gia đình.

MỚI - NÓNG