Thử nghiệm hệ thống báo động, Chính phủ Anh bị chỉ trích ‘bảo mẫu’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 23/4, Vương quốc Anh tiến hành thử nghiệm đầu tiên đối với hệ thống báo động khẩn cấp, khiến hàng triệu điện thoại di động sẽ rung và kêu inh ỏi vào lúc 3h chiều.

Hệ thống này tương tự các hệ thống đã áp dụng ở Canada, Nhật Bản, Hà Lan và Mỹ, để báo động người dân nếu có tình huống nguy hiểm, nhưng đang bị chỉ trích là xâm phạm kiểu “nhà nước bảo mẫu”.

Điện thoại của người dân sẽ nhận được tin nhắn: “Đây là thử nghiệm hệ thống khẩn cấp, một dịch vụ mới của Chính phủ Anh để cảnh báo nếu có tình huống khẩn cấp đe dọa tính mạng”.

Chính phủ Anh và các cơ quan khẩn cấp hy vọng dùng hệ thống này để cảnh báo người dân về những vấn đề như lũ lụt và hoả hoạn.

Chuông báo động trong 10 giây, kêu lên kể cả khi điện thoại để chế độ rung, sẽ làm gián đoạn các sự kiện thể thao và giải trí, bao gồm cả các trận đấu bóng Premier League.

Một số nhân vật bảo thủ chỉ trích kế hoạch này. Cựu Bộ trưởng Jacob Rees-Mogg kêu gọi người dân bấp chấp lời kêu gọi của chính phủ và “tắt những báo động xâm phạm không cần thiết”.

“Họ đã trở lại là một nhà nước bảo mẫu, cảnh báo chúng tôi, dỗ dành chúng tôi khi đáng lẽ họ nên để mọi người tiếp tục cuộc sống”, ông Mogg nói.

Cây viết phụ trách chuyên mục Sara Vine của báo Daily Mail, vợ cũ của Bộ trưởng Michael Gove, cho rằng kế hoạch này “đáng sợ”.

“Chủ nhật này, vào 3h chiều, chính phủ sẽ rung tất cả những chiếc lồng của chúng ta bằng cách xâm phạm điện thoại di động, xâm phạm đời tư, bằng tin báo động khẩn cấp thử nghiệm vớ vẩn. Việc này vừa đáng sợ vừa gây mệt mỏi”, bà viết.

Các nghị sĩ cũng chỉ trích quyết định trao hợp đồng IT béo bở để phát triển hệ thống báo động cho Fujitsu, công ty của Nhật đã viết phần mềm bị lỗi cho hệ thống bưu điện khiến nhiều người trong ngành bưu điện bị kết án.

Theo CNN
MỚI - NÓNG