'Thủ lĩnh' Đoàn lao vào việc khó

'Thủ lĩnh' Đoàn lao vào việc khó
TP - 81 Bí thư Đoàn cơ sở xuất sắc nhận Giải thưởng 26-3 (do T.Ư Đoàn trao tặng) đảm nhận những nhiệm vụ khác nhau, nhưng điểm chung là năng động, sáng tạo, thích lao vào việc khó để giúp đổi thay cuộc sống ở địa phương.

Giải thưởng 26-3:

'Thủ lĩnh' Đoàn lao vào việc khó

>120 bạn trẻ đến với người nghèo
>Sôi động trên những công trình

Bà đỡ vùng cao

Tốt nghiệp Trung cấp y tế Điện Biên, Lò Thị Phong, (SN 1982, dân tộc Tày) được phân về công tác tại Trung tâm Y tế Điện Biên Đông (huyện Điện Biên Đông, Điện Biên) và làm Bí thư Đoàn của Trung tâm. Do những tập tục lạc hậu ăn sâu vào đời sống nên chị em không đến trạm y tế khám phụ sản, tự sinh con tại nhà nên tỷ lệ sản phụ tử vong ở mức rất cao. Day dứt trước thực trạng đó, Phong lặn lội đến từng nhà dân tuyên truyền vận động chị em đi khám sức khỏe nhưng họ không thực hiện. Phong lỉnh kỉnh mang theo đồ nghề đến tận nhà khám nhưng bị từ chối.

Không bỏ cuộc, năm 2009, thông qua dự án Bạn hữu trẻ thơ của huyện, Phong khéo léo tiếp cận người dân thông qua việc tư vấn chăm sóc bà mẹ, trẻ em trước, trong và sau sinh tại gia. Sự kiên trì của Phong được người dân tin tưởng. Cô còn hướng dẫn cách trồng rau, chăn gà, ngan để tăng chế độ dinh dưỡng hằng ngày cho chị em để tránh cho con trẻ bị suy dinh dưỡng. Nhờ sự nỗ lực thay đổi nhận thức của người dân, 2 năm qua toàn huyện Điện Biên Đông không còn sản phụ tử vong.

Hiện Phong phụ trách một xã có 20 bản. Các bản đều ở xa trung tâm xã, có xã cách bản hơn 30 km phải đi bộ mất một ngày mới đến nơi. Người dân đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về nên việc thăm khám, chăm sóc của Phong chỉ diễn ra vào ban đêm. Phong kể, 8 giờ tối cô bắt đầu đi gõ cửa từng nhà, xin được khám thai, tư vấn chăm sóc cho chị em nửa đêm về nghỉ. 4 giờ sáng hôm sau chờ lúc chị em dậy soạn sửa đi làm, Phong dậy theo tranh thủ khám tiếp. Tháng có 30 ngày thì hơn nửa thời gian Phong cắm bản. “Chồng và con trai 5 tuổi ở nhà tự chăm sóc nhau. Gian nan là vậy nhưng chưa bao giờ mình thấy nản, còn sức khỏe mình vẫn tiếp tục đi" - Phong bộc bạch.

Chuyên gia môi trường

Khu chợ Chè, thôn Mỹ Khánh, xã Phấn Mễ (Phú Lương, Thái Nguyên) trước đây luôn trong tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Năm 2008, xã Phấn Mễ thành lập tổ thu gom rác và xây dựng bãi rác nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Đầu năm 2009, Bí thư Đoàn xã Nguyễn Văn Mạnh (SN 1982) kêu gọi ĐVTN thành lập tổ hợp tác thanh niên bảo vệ môi trường với 7 xe thu gom rác, 1 con trâu, 1 xe kéo và 1 bộ loa phát thanh. Hằng ngày tổ dùng loa phát thanh đi khắp các xóm tuyên truyền kiến thức, ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường. Qua 3 năm, tổ đã thu gom, xử lý hợp vệ sinh hàng chục tấn rác thải, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường sạch đẹp, mang lại thu nhập hằng tháng bình quân 1,5 triệu đồng cho các thành viên.

Mạnh cho biết, xã Phấn Mễ có hơn 200 hộ làm trang trại gà nhưng ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân còn kém. Gà chết được người dân đóng thành từng bao tải ném xuống sông khiến con sông chạy qua xã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mạnh cùng các bạn trẻ đi vớt từng bao tải về thuê máy xúc đào hố chôn lấp. Năm 2011, tổ vớt được 4 tấn rác thải, đầu năm 2012 này đã vớt được 6 tấn. “Làm việc này chỉ có đám con trai khỏe mạnh và thật nhiệt tình mới đảm đương được. Từng bao tải vớt lên bốc mùi hôi thối nồng nặc, ai cũng nôn thốc nôn tháo, phải bôi dầu gió vào khẩu trang để bớt mùi”, Mạnh kể.

Bạn tâm giao

Bí thư Đoàn phường 2, quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) Lê Phú Cường (SN 1987) cho ra đời nhiều sáng kiến để hỗ trợ, chăm sóc đời sống tinh thần, vật chất cho người trẻ, người già.

Với công trình Bữa cơm nhân ái, từ năm 2010 đến nay Đoàn phường 2 cung cấp bữa ăn trưa hàng ngày cho 8 cụ già neo đơn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các thành viên trong nhóm Bữa cơm nhân ái còn là người bạn tâm giao, hằng ngày đến tâm sự, sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống; thậm chí là đỡ đần việc nhà những khi các cụ cần đến.

Ngoài ra, Đoàn phường 2 cũng nhận đỡ đầu cho thương binh có hoàn cảnh khó khăn và 9 gia đình có công với cách mạng. Khi gia đình có việc, Cường bố trí một nhóm thanh niên tầm 15 người về ở lại gia đình đó thăm, tặng quà và làm giúp những việc họ yêu cầu. “Bằng cách này, Đoàn tạo được sự gắn kết giữa các thế hệ, giúp bạn trẻ sống có trách nhiệm hơn và biết tri ân những người đi trước”, Cường cho biết.

Đối với thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự, Cường phát động công trình Đồng hành cùng người lính, vận động chăm lo được 7 sổ tiết kiệm cho những người trẻ nhập ngũ; góp phần giúp bộ đội xuất ngũ có công ăn việc làm ổn định. Đặc biệt, Cường đang phối hợp trường ĐH mở lớp dạy miễn phí phổ cập tin học và ngoại ngữ cho thanh niên, tổ chức thi lấy chứng chỉ.

Giải thưởng 26-3 năm nay, T.Ư Đoàn trao cho 81 Bí thư Đoàn cơ sở (tương ứng với tuổi đời của Đoàn). Bí thư Đoàn nhận giải thưởng phải có thành tích xuất sắc trong hoạt động, tuổi đời không quá 35 và phải có sáng kiến, ý tưởng ứng dụng hiệu quả vào thực tế...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.