> Tất cả là phóng viên chiến trường
> Tiên phong trong thể loại điều tra chống tiêu cực
Bài báo xuất hiện trên mặt báo, thành công, thậm chí có loạt bài giành Giải báo chí Quốc gia, vinh danh chỉ tên tác giả được nhắc tới mà ít ai nhớ đến phía sau, sự chăm chút thầm lặng của kíp tham mưu trong một tòa soạn. Ấy là một phần nhiệm vụ của những thư ký.
Một buổi giao ban tổ chức sản xuất của phòng Thư ký tòa soạn. Ảnh: Như ý. |
Tháng 7/2012, tôi nhận quyết định về công tác tại Phòng thư ký báo Tiền Phong. Nghe tin tôi đầu quân về đây, không ít đồng nghiệp trong báo kinh ngạc: “Đang làm phóng viên sướng thế, sao lại chui vào chỗ khổ làm gì?”. Tròn 1 năm 4 tháng về làm thành viên của phòng, lại mang phận nữ nhi, thấy thấm cái nghĩa của “chỗ khổ” này.
Một ngày trực: con mọn
Giờ họp giao ban bắt đầu từ 9 giờ sáng, trừ những hôm có việc hay thư ký nào trực khuya quá từ hôm trước mệt không đến được, còn đa phần trước giờ, các thành viên TKTS đều có mặt. Thậm chí có những người như lãnh đạo phòng, hay thành viên Ban biên tập không vắng bất cứ buổi họp nào mà ít ai hay chỉ cách đấy vài tiếng khi thời gian đã bước sang ngày mới, họ vẫn còn ở cơ quan. Mới sáng ra mà cảnh tượng đã đều “như vắt chanh”: các thành viên đã “chúi đầu” vào lướt thông tin từ các báo bạn. Cả chục con người ai cũng có nhu cầu mà chỉ “nhõn” mấy tờ báo, thế là muốn đọc báo offline phải truyền tay nhau tranh thủ từng phút.
Lúc mới về, một đồng nghiệp trong phòng đã chia sẻ rất thật tâm trạng của bạn ấy: “Sợ nhất mỗi buổi họp giao ban đầu giờ sau hôm vừa trực chính. Cứ như sống sót sau bão”. Ngạc nhiên lắm, nhưng rồi cứ đi qua mỗi số báo trực mới thấu hiểu vì sao sự ám ảnh từ tít một bài báo đến cả một số báo đeo bám người thư ký cả buổi làm, cho đến trên con đường khuya thanh vắng trở về nhà, vào trong giấc ngủ và đến tận sáng giao ban hôm sau. Áp lực đè đội làm hậu kỳ khi ngày mai phải so sánh với các báo bạn, từ báo điện tử tới tờ báo đối thủ cạnh tranh. Chưa kể phải đủ bản lĩnh đón nhận, thậm chí phản biện khen chê của đồng đội phủ đầu sao “cắt” chỗ này, “xéo” chỗ kia khi buổi giao ban bắt đầu.
Nếu ví bài báo của phóng viên như người mẫu trên sàn diễn thời trang hay một nàng hoa hậu lộng lẫy khi xuất hiện tham dự event thì thư ký toà soạn chính là đội ngũ stylist kiêm các chuyên gia make up. Dù được xem là “cánh tay nối dài” của Ban biên tập nhưng đoạn trường thư ký ai có qua mới thấm thía 8 chữ được thư ký trong nghề tự trào lộng: “Ngồi dai, chai đít, công ít, tội nhiều”. |
Giờ sản xuất thực sự của phòng thư ký thường rơi vào từ quãng 17- 18 giờ chiều và kết thúc vào 0 h 30 phút hôm sau. Thậm chí có hôm báo muộn phải đến hơn 1 giờ sáng. Tất nhiên, đó là quãng thời gian vật chất có thể quy ra “thóc”. Còn vốn dĩ sau họp giao ban đến sang chiều có khá việc không tên. Với kíp trực, từ trực chỉ huy gọi điện trao đổi những bài vở trọng tâm với phóng viên thực hiện, trực chính là cập nhật thông tin diễn biến các sự kiện diễn ra trong ngày, tới thư ký trực phụ hay làm trang, dù hôm trước có về muộn là mấy thì vẫn phải ngồi chầu chực nếu tin bài của trang vẫn trong tình trạng “nước sôi chờ... gạo”. Nhiều hôm tranh thủ dựng trang sớm, đến tối lại phải dỡ ra làm lại từ đầu, tất cả từ thư ký, kỹ thuật, đọc dò ai cũng khổ cả. Nói chung: như con mọn.
Chiều tối tin bài đổ về, nhiều lúc cả kíp trực cùng thư ký hành chính cắm mặt vào màn hình và đống tin bài ngồn ngộn. Đúng giờ bụng réo đòi ăn tối thì cao điểm phải nhận trang giao, xử lý. Có khi “cất” được mặt lên nhìn đồng hồ đã 21, 22 giờ. Hôm nào biết thân phận, đi ăn tạm cái gì từ sớm còn đỡ, có hôm đành để bụng rỗng mà làm việc đến lúc về. Mì tôm là món phải trữ sẵn trong phòng, nhưng được một thời gian hình như ai cũng lắc đầu ngao ngán.
Ăn nhạt để biết thương mèo
“Có ăn nhạt mới biết thương mèo”. Trước đây khi làm phóng viên bị thư ký cắt tin bài nhiều khi ức lắm. Còn bây giờ thì đã ngộ ra: Vì sao phóng viên thì ra sức viết còn thư ký ra sức cắt? Nói để bạn đọc dễ hình dung. Một trang báo, tối đa chỉ cho phép từ 1.700- 1.800 từ, nếu muốn có trang báo đảm bảo nội dung hình thức. Nhưng khổ nỗi, gộp các tin bài đứng chung vào cơ số chữ rơi vào từ 2.000-3.000 chữ. Thế thì phải cắt là tất nhiên rồi. “Bánh” chỉ có từng ấy, chia thế nào để vừa có điểm nhấn, vừa đảm bảo thông tin vùng miền: Đau đầu!
Sắp món ăn theo "khẩu vị" bạn đọc là nhiệm vụ của thư ký. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Có lần nghe phóng viên ganh tị: thư ký gì mà sướng, họp giao ban xong cứ đi chơi suốt đến chiều tối mới về làm. Nào ai biết, ai hay, thư ký hôm nào đã trực là phải “giương ăng ten” thường trực. Có thư ký thường dành xuyên trưa để đọc báo mạng cập nhật tình hình. Có thư ký tỉ như đi ăn trưa chợt gặp vụ việc đột xuất, phải lập tức bỏ về. Điện thoại nhiều khi nóng rẫy, nào thì trao đổi thư ký chính và trực chỉ huy, nào giữa kíp trực và phóng viên các mảng. Tối đến, sản phẩm anh em đổ về như món lẩu thập cẩm lại lo xử lý khéo sao cho thành cụm bài nổi bật.
Áp lực rất vô hình khi vừa trực, vừa lấy tin bài, vừa bao quát. Có những lúc phải chắt chiu, cắt đi gọt lại chỉ vì muốn thêm một cái tin bé tẹo vài chục chữ, cho phóng viên vùng xa ngày mai đọc báo đỡ tủi thấy tin mình bị lọt. Có những khi phải đánh vật, gom từ cả chục cái tin ví như nội dung ngày khai giảng, tin bão lụt, tin các sự kiện thời sự trên cả nước để ngày mai có một sản phẩm gọn ghẽ ký nhóm PV. Làm tất cả không quên tự nhắc mình: cố gắng đến mức có thể đừng bỏ phí công sức lao động của anh em.
Về cái “món” nhật ký kíp trực vẫn thường gửi đến phóng viên các ban chuyên môn sau mỗi giờ giao ban, thiết nghĩ cũng phải có vài lời. Thông thường, mỗi nhật ký kíp trực sẽ ghi lại toàn bộ quy trình sản xuất số báo, tiến độ, các vấn đề trong khâu xuất bản, những bình thường và bất bình thường diễn ra trong số báo… Phải những hôm (hy hữu) tự thấy bài vở nhạt, nhiều ý tưởng, chỉ đạo trong họp giao ban bị đổ vì khách quan, chủ quan cũng có, nhật ký trở nên nhạt hay giọng điệu buồn tẻ hẳn. Còn những hôm các sự kiện nóng, đầy tính báo chí được liên thông kết nối, nhật ký như bày ra cả một quy trình ăm ắp thông tin. Viết gì, khen gì, chê gì, đều phải rất cân nhắc bởi đó chính là ghi lại công sức lao động của phóng viên, trí tuệ của cả một tập thể sau một ngày.
Chiến binh thầm lặng
TKTS báo Tiền Phong, nơi đang hội tụ một tập thể mà ở đó những tố chất trung thực, khách quan, công minh, rộng lượng luôn phải rèn giũa. Trong một buổi liên hoan hiếm hoi mà dền dứ, sắp xếp mãi mới tổ chức được, mấy thành viên ban từng đem chuyện Tể tướng Lưu gù ra để tự răn mình: “Nô tài có tội” khi mỗi lần nhận được lời trách móc từ các ban chuyên môn. Nhưng thật lòng nếu cho xử lý lại tin bài, hầu hết trong các trường hợp TKTS sẽ vẫn bảo vệ quan điểm. Bởi đã ngồi vào vị trí này, bài học và phẩm chất đầu tiên mỗi thư ký tự răn mình: công tâm, vì tờ báo, vì bạn đọc. Còn nhớ trong một lần trò chuyện, khi chia sẻ suy nghĩ là phụ nữ mà đôi lúc phải xử “rắn” bài vở của anh em hay “bắt lỗi” các ban chuyên môn, đôi khi thực tâm thấy áy náy, lãnh đạo phòng đã động viên: “Ban biên tập đã tin tưởng và giao chúng ta nhiệm vụ “gác gôn” mình không thể phụ lòng tin. Va đập và xung đột là phẩm chất của bất cứ tòa soạn nào".
Nói về nghiệp thư ký, một đồng nghiệp có thâm niên gần chục năm trong nghề chia sẻ: “Bạn hãy hình dung nếu phóng viên là người đi chợ về thì nấu món gì, sắp mâm thế nào sao cho đủ món ăn theo khẩu vị của bạn đọc là nhiệm vụ của thư ký. Mâm cỗ có ngon và đẹp mắt hay không phụ thuộc không ít vào “trình” của đầu bếp và những người dọn cỗ”.
“Có ăn nhạt mới biết thương mèo”. Trước đây khi làm phóng viên bị thư ký cắt tin bài nhiều khi ức lắm. Còn bây giờ thì đã ngộ ra: Vì sao phóng viên thì ra sức viết còn thư ký ra sức cắt? Nói để bạn đọc dễ hình dung. Một trang báo, tối đa chỉ cho phép từ 1.700- 1.800 từ, nếu muốn có trang báo đảm bảo nội dung hình thức. Nhưng khổ nỗi, gộp các tin bài đứng chung vào cơ số chữ rơi vào từ 2.000-3.000 chữ. Thế thì phải cắt là tất nhiên rồi. “Bánh” chỉ có từng ấy, chia thế nào để vừa có điểm nhấn, vừa đảm bảo thông tin vùng miền: Đau đầu! |